Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh nghiệm quốc tế: Thận trọng ưu tiên cho người đã đủ liều vaccine Covid-19

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất phát từ mục đích khuyến khích tiêm chủng để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chính quyền nhiều quốc gia đã thúc đẩy loạt phúc lợi với người được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Tuy nhiên, một số chính sách được cảnh báo cần sự xem xét thận trọng.

Cặp đôi người Israel khoe 'Thẻ xanh' (Green Pass) chứng nhận đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ trước khi vào một sự kiện ở Tel Aviv, tháng 2/2021. Ảnh: AFP
Một công đôi việc

Khi loạt số liệu thống kê đến nay đã cho thấy hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa tỷ lệ nhập viện và tử vong vì Covid-19, các ưu tiên về đi lại, nới lỏng hạn chế xã hội được đưa ra với những người đã tiêm chủng đầy đủ, nhằm kích thích bộ phận người dân vẫn còn lưỡng lự.

Đáng chú ý, không chỉ dừng ở khả năng tham gia các sự kiện đông người, tới các địa điểm công cộng, du lịch quốc tế… nhiều ưu tiên đang liên kết trực tiếp đến quyền lợi lao động.

Chẳng hạn tại Malaysia, một liên minh các tập đoàn bán lẻ hàng đầu quốc gia đã hoan nghênh việc Thủ tướng Tan Yassin thông báo sẽ nới lỏng các hạn chế Covid-19 tại nước này - Quy định vận hành tiêu chuẩn Covid-19 (SOP) - đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ.

Dựa trên ước tính khoa học rằng khả năng miễn dịch cộng đồng giao động từ 60 - 80% dân cư, nhóm này đề xuất Chính phủ cho phép mở cửa kinh doanh trở lại đối với các cửa hàng có 70% đội ngũ làm việc tại bất kỳ thời điểm nào đều đã được tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời, các cửa hàng này sẽ chỉ đón tiếp những khách đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Tại Mỹ - quốc gia vừa cán mốc 50% người lớn được chủng ngừa Covid-19 đầy đủ, chuỗi nhà hàng nổi tiếng Danny Meyer hiện cũng chỉ đồng ý nhận khách trực tiếp một khi người đó có thể xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng. Bên cạnh đó, Danny Meyer cùng hàng loạt doanh nghiệp lớn khác - bao gồm Google, Disney, Walmart - yêu cầu mọi lao động của họ phải tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Theo các nhà kinh tế của Goldman Sachs, tỷ lệ tham gia văn phòng tại các TP lớn của Mỹ hiện chỉ bằng khoảng 1/3 mức trước đại dịch, do đa số nhân viên vẫn đang làm việc từ xa. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không chi tiền cho vé tàu, phí đỗ xe, đồ uống… - loại hoạt động rất cần thiết trong nền kinh tế tiêu dùng và dịch vụ của Mỹ.

Do đó, đẩy mạnh tiêm chủng để đưa mọi người trở lại văn phòng, công xưởng, được tin là hành động “một công đôi việc” - phục hồi sức khỏe của cộng đồng và cả nền kinh tế. Tương tự, hộ chiếu vaccine cho phép những du khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 được nhập cảnh mà không cần cách ly kiểm dịch, hiện đã được áp dụng trên hầu khắp châu Âu và khoảng gần chục lãnh thổ khu vực khác, sẽ là giải pháp cấp bách với những nền kinh tế du lịch như Hy Lạp, Italia… sau nhiều tháng trời đóng cửa.

Tại một số quốc gia, phần thưởng cho những người tiêm phòng Covid-19 đầy đủ thậm chí có thể là tiền mặt để thúc đẩy chi tiêu. Sau lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố chính quyền các tiểu bang và vùng lãnh thổ của nước này có thể sử dụng 350 tỷ USD tiền trợ cấp Covid-19 để trả cho mỗi người dân tiêm vaccine 100USD.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tháo khẩu trang để phát biểu về đại dịch Covid-19 tại Nhà Trắng, ngày 3/8/2021. Ảnh: AFP

Lãnh đạo Đảng Lao động của Australia Anthony Albanese mới đây cũng đề xuất cấp cho mỗi người dân 300USD nếu họ tiêm đủ 2 mũi trước ngày 1/12 năm nay. Chính sách ước tính tiêu tốn 6 tỷ USD quỹ liên bang để thuyết phục gần 20 triệu người Australia trưởng thành đăng ký tiêm chủng, nhưng được cho sẽ giúp tháo gỡ các quy định hạn chế Covid-19 đang khiến đất nước này tiêu tốn hàng trăm triệu USD mỗi ngày.

Liệu có quá sớm?

Chính quyền Thủ tướng Scott Morrison đã kịch liệt phản đối đề xuất của lãnh đạo đảng đối lập Anthony Albanese. “Các khoản tiền mặt trực tiếp như ở Mỹ, Anh hay các dạng xổ số trúng thưởng đã không giúp gia tăng tỷ lệ đi tiêm đáng kể”, Bộ trưởng Tài chính Australia Simon Birmingham nói, nhấn mạnh rằng Chính phủ sẽ ưu tiên kích thích tiêm chủng bằng cách áp dụng các hạn chế đối với những người chưa tiêm, chẳng hạn như cấm họ tham gia các sự kiện công cộng.

ABC dẫn lời Adrian Esterman - Giáo sư thống kê sinh học và dịch tễ học tại ĐH South Australia lưu ý, tốc độ triển khai tiêm chủng của Australia đang quá chậm so với các quốc gia châu Âu và Mỹ, với tỷ lệ chưa đến 18% dân số nhận đủ 2 liều vaccine.

Do đó, việc áp dụng những phúc lợi với người tiêm chủng đầy đủ lúc này tại Australia không tránh khỏi sự phản đối do phân biệt đối xử với bộ phận lớn công dân chưa thể tiếp cận được vaccine, hoặc với những người có bệnh lý nền không thể tiêm.

Rõ ràng, đây không phải là thực trạng của riêng mình Australia, khi tỷ lệ dân số tiêm đủ liều vaccine ở nhiều quốc gia hiện chưa thể đạt mức 2 chữ số. "Nó (ưu tiên với người tiêm chủng đầy đủ) chỉ nên được xem xét trong điều kiện mọi người đều có khả năng được tiêm", Giáo sư Esterman nêu quan điểm.
Nguồn: Our World in Data. 

Chính Tổng thống Mỹ Biden cũng thừa nhận những nguy cơ và chấp nhận “đánh cược”: “Tôi biết rằng việc trả tiền cho những người tiêm vaccine có thể gây bất công, nhưng nếu những chính sách khuyến khích này giúp chúng ta đánh bại dịch bệnh thì tôi tin rằng nó nên được thực hiện”.

Cuối cùng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo các chính phủ trên toàn thế giới không nên nới lỏng các hạn chế Covid-19 quá sớm, trước những thay đổi khó lường của các biến thể virus mới đang thay nhau xuất hiện.

Tại Mỹ, CDC đã bất ngờ đảo ngược hướng dẫn “không cần khẩu trang” đối với những người tiêm đủ liều vaccine Covid-19 chỉ sau 2 tháng ra thông báo. Trong khi giới chức ở Israel - quốc gia được đánh giá có chiến dịch tiêm chủng thành công của thế giới - cuối tháng 7 vừa qua đã khôi phục một số hạn chế, bao gồm cả những ưu tiên liên quan đến "Thẻ xanh", giữa làn sóng gia tăng các ca bệnh do biến thể Delta.