Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế châu Á sẽ vượt qua Mỹ và châu Âu trong năm nay?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia kinh tế từ Morgan Stanley cho biết tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ vượt qua cả Mỹ và châu Âu trong năm nay khi mà nhu cầu nội địa đang dẫn đầu xu thế.

Một màn hình hiển thị số liệu chứng khoán ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào thứ Hai, ngày 10/10/2022. Nguồn: CNBC
Một màn hình hiển thị số liệu chứng khoán ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào thứ Hai, ngày 10/10/2022. Nguồn: CNBC

Trả lời phỏng vấn của CNBC vào hôm 17/4, nhà kinh tế trưởng châu Á Chetan Ahya cho biết: “Những suy đoán của chúng tôi về việc châu Á, bao gồm Nhật Bản, dường như đang vượt trội hơn so với Mỹ và châu Âu là hoàn toàn dựa trên căn cứ xác thực, khi mà nhu cầu nội địa ở khu vực này đang bùng nổ mạnh mẽ”.

Trong đó, Trung Quốc là một minh chứng cụ thể cho sự phục hồi này nhờ việc mở cửa trở lại cũng như sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và tiền tệ - ông nói thêm.

Ngoài ra, nhằm tăng sức thuyết phục cho lập luận của mình, ông đã lấy thêm dẫn chứng về sự tăng trưởng mạnh mẽ của ba nền kinh tế lớn khác ở châu Á là Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản.

Ahya cho biết: “Chúng tôi đang kỳ vọng mức tăng trưởng của khu vực sẽ vượt trội khoảng 500 điểm cơ bản vào quý 4 năm nay”.

Đặc biệt, dự báo này hoàn toàn phù hợp với nhận định mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra về việc khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một khu vực năng động, bất chấp một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế thế giới.

Tuần trước, IMF đã đưa ra nhận định rằng nhu cầu trong nước của châu Á vẫn phát triển mạnh bất chấp các lệnh thắt chặt tiền tệ.

IMF cho biết: “Theo chúng tôi, châu Á sẽ đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, nhất là khi tốc độ phát triển kinh tế khu vực vẫn có dấu hiệu tiếp tục tăng sau mức tăng từ 3,8% lến 4,6% vào năm 2022,”

Sự phục hồi của bất động sản Trung Quốc

Vào ngày 18/4, Trung Quốc dự kiến sẽ công bố dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội, ước tính tăng 4% trong quý đầu tiên của năm 2023 - theo một cuộc thăm dò của Reuters.

Ông Ahya cho biết sự phục hồi của Trung Quốc đang diễn ra tốt hơn dự đoán của nhiều người và lạm phát sẽ không phải là nguyên nhân lớn để cản trở bước tiến của quốc gia này.

“Tất nhiên, lạm phát cũng sẽ tạo ra những khó khăn nhất định nhưng không có nghĩa nó sẽ làm chệch hướng phát triển của nền kinh tế thứ hai thế giới này ” – Ông cũng đưa ra một vài lưu ý đồng thời cho biết sự phục hồi mạnh mẽ của bất động sản Trung Quốc sẽ góp phần vào đà tăng trưởng của quốc gia này.

Theo một cuộc khảo sát được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố gần đây, nhiều người dân ở quốc gia này muốn mua nhà trở lại, nhất là sau khi các biện pháp kiểm soát Covid kết thúc. Vào năm ngoái, chính quyền trung ương và địa phương đã triển khai các biện pháp hỗ trợ cho việc mua và phát triển bất động sản.

Ngân hàng Thế giới cũng kỳ vọng các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng hơn so với ước tính trước đây bất chấp những khủng hoảng ngân hàng trên toàn cầu. Điều này xuất phát từ sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng ghi đậm những dấu ấn trong tốc độ phát triển của mình.

Theo ông Ahya, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia này đến từ các yếu tố mang tính chu kỳ. Việc hệ thống ngân hàng đã được tinh chỉnh, các doanh nghiệp đã được xóa nợ sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng này cũng đến từ tâm lý chấp nhận rủi ro của cả người đi vay và người cho vay - ông nói thêm.

Ông cũng cho biết Ấn Độ đang thực hiện các cải cách đối với nguồn cung, nhằm thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp và khôi phục đầu tư tư nhân.

Ông đặc biệt lưu ý: “Ấn Độ là một trường hợp đặc biệt khi sự tăng trưởng dựa trên việc phối hợp hài hòa của cả yếu tố cấu trúc và chu kỳ.”