Kinh tế châu Âu lao đao vì “cơn bão” giá năng lượng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm phát tại các nước sử dụng đồng euro (Eurozone) tiếp tục tăng cao, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải xem xét giải pháp mạnh tay hơn để ổn định tình hình kinh tế trong khu vực.

Lạm phát tăng kỷ lục

Theo số liệu được Văn phòng Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hồi tuần trước, lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 6 tăng kỷ lục tới 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn dự  báo 8,4% của các nhà kinh tế của Reuters và gấp hơn 4 lần so với mục tiêu 2% của ECB. Trước đó, vào tháng 5, lạm phát tại khu vực này đạt 8,1%. Mức tăng mạnh của lạm phát tại khu vực này cho thấy chi phí sinh hoạt trong khối đang ở mức rất cao.

lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 6 tăng kỷ lục tới 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: AP
lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 6 tăng kỷ lục tới 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: AP

Nhiều nước Eurozone phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch của Nga để sưởi ấm, cũng như cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn cung năng lượng từ Nga sang châu Âu, đặc biệt là khí đốt, đã giảm hơn một nửa kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, dẫn đến việc giá cả lên mức kỷ lục, đồng thời chính phủ các nước châu Âu buộc phải chạy đua tìm nguồn cung thay thế. Giá năng lượng ở châu Âu trong tháng 6 leo dốc 41,9%. Trong khi đó, giá thực phẩm như rau và trái cây cũng tới hơn 11% trong năm qua.

Hiện không một quốc gia EU nào tránh được “cơn đau đầu” lạm phát.  Theo Eurostat, lạm phát đã leo lên mức hai con số ở một số nước Eurozone. Lạm phát ở Đức và Hà Lan giảm nhẹ trong tháng 6 nhưng Tây Ban Nha lập kỷ lục lần đầu tiên đạt hai chữ số kể từ năm 1985. Thậm chí, tại ba quốc gia vùng Baltic ở đông bắc châu Âu - Estonia, Lithuania và Latvia, lần lượt chứng kiến mức lạm phát kỷ lục là 22%, 20,5% và 19%, do phụ thuộc phần lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu.

ECB sẽ mạnh tay trong chính sách tiền tệ

Theo giới chuyên gia, dữ liệu lạm phát mới sẽ càng củng cố kế hoạch của ECB về việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm tại cuộc họp chính sách sắp tới, cũng như tăng thêm lãi suất vào cuối năm.

Với cam kết kiềm chế đà tăng chóng mặt của giá cả, ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ trong tháng 7 này. ECB cũng có kế hoạch sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9, đồng nghĩa lãi suất cơ bản của khu vực Eurozone sẽ chuyển sang trạng thái dương trong năm nay. Lãi suất âm đã được ECB duy trì suốt từ năm 2014, theo CNBC.

Phát biểu hồi đầu trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã đưa ra quan điểm khá cứng rắn. “Nếu triển vọng lạm phát không cải thiện, chúng tôi sẽ có đủ thông tin để hành động nhanh hơn” - bà Lagarde phát biểu tại hội nghị thường niên của ECB ở Sintra, Bồ Đào Nha, về triển vọng chính sách tiền tệ ECB sau đợt nâng lãi suất vào tháng 9.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh: CNBC
Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh: CNBC

Tuy nhiên, đang có nhiều câu hỏi về tương lai chính sách tiền tệ của Eurozone, trong bối cảnh những lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong những tháng sắp tới. Nếu ECB tăng lãi suất quá nhanh, việc này có thể gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế, giữa lúc sự giảm tốc đã bắt đầu rồi.

Các số liệu về hoạt động kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế Eurozone đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Vấn đề bao trùm đặt ra là liệu khu vực này có tránh được một cuộc suy thoái trong năm nay, hay suy thoái có thể xảy đến trong năm 2023.

Các chuyên gia kinh tế của Berenberg dự báo Eurozone sẽ suy thoái vào năm 2023, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của khu vực giảm 0,8%. Tuy nhiên, sức ép gia tăng từ cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, nhất là về giá năng lượng và giá lương thực-thực phẩm, có thể đẩy nền kinh tế khu vực vào một cuộc suy thoái sâu hơn dự báo ban đầu.

Giới chức châu Âu hiện vẫn tránh đề cập đến nguy cơ suy thoái.“Chúng tôi vẫn kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu chi tiêu nội địa sẽ bù đắp lại được sự suy giảm đà tăng trưởng từ bên ngoài”, Chủ tịch ECB nhận định. Trong tháng 6, ECB dự báo GDP của Eurozone tăng 2,8% trong năm nay. Dự báo mới sẽ được đưa ra vào tháng 9.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách ở Frankfurt nói rằng giảm tốc kinh tế là một rủi ro lớn mà họ cần theo dõi. Phát biểu tại hội nghị thường niên của ECB ở Sintra đầu tuần trước, chuyên gia kinh tế trưởng Philip Lane của ECB lưu ý rằng sự cảnh giác là cần thiết trong những tháng sắp tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần