Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Israel 'lâm nguy' vì xung đột tại Dải Gaza

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung đột không có hồi kết với phong trào Hamas ở Dải Gaza (Palestine) đang đẩy nền kinh tế Israel chìm sâu vào khó khăn.

Theo báo Times of Israel, bất chấp những nỗ lực trấn an dư luận từ Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cuộc xung đột đẫm máu nhất từ ​​trước đến nay ở Dải Gaza đang gây tổn hại đến hàng nghìn doanh nghiệp tại Israel. Đồng thời, nó còn làm thế giới lung lay niềm tin vào một nền kinh tế từng được xem là động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trên toàn cầu.

"Nền kinh tế hiện chịu sự bất ổn rất lớn và điều này liên quan đến tình hình an ninh, như cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, cường độ ra sao và còn tiếp tục leo thang hay không", Karnit Flug, cựu giám đốc ngân hàng trung ương Israel, hiện là phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Viện Dân chủ Israel, cho biết.

Cảnh vắng vẻ bên trong chợ Mahane Yehuda ở Jerusalem (Israel), hồi đầu tháng. Ảnh: Flash90
Cảnh vắng vẻ bên trong chợ Mahane Yehuda ở Jerusalem (Israel), hồi đầu tháng. Ảnh: Flash90

Kinh tế Israel có khả năng tự phục hồi sau những cú sốc trước đó, bao gồm cả các vụ giao tranh ngắn với Hamas. Tuy nhiên, xung đột dai dẳng hiện tại khiến tình hình căng thẳng hơn, khi nhà nước Do thái phải chi trả việc tái thiết nhà cửa, bồi thường gia đình các nạn nhân và bồi dưỡng quân nhân dự bị, đồng thời duy trì một ngân sách phòng vệ khổng lồ.

Yacov Sheinin, nhà kinh tế học với nhiều thập kỷ tư vấn cho các đời thủ tướng và nội các ở Israel, ước tính tổng chiến phí của xung đột hiện tại có thể lên tới 120 tỷ USD, chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.

Chiến sự bao trùm mọi mặt

Dù không phải ngành kinh tế trọng điểm, nhưng chiến sự kéo dài khiến ngành du lịch của Israel thiệt hại đáng kể, ảnh hưởng đến hàng nghìn người lao động và doanh nghiệp nhỏ. 

Vừa trở về nhà sau 6 tháng nhập ngũ, hướng dẫn viên Israel Daniel Jacob buộc phải đóng cửa hãng du lịch anh từng tự tay gây dựng suốt 2 thập kỷ qua do kinh doanh ế ẩm. Giờ đây, anh và gia đình phải sống dựa vào số tiền được chính phủ trợ cấp vài tháng 1 lần, chỉ bằng một nửa thu nhập của Daniel trước xung đột.

"Điều khó khăn nhất là chúng tôi không biết khi nào cuộc chiến sẽ kết thúc", Daniel Jacob nói trong âu lo. "Chiến sự cần chấm dứt trước khi kết thúc năm nay. Nếu phải mất thêm nửa năm nữa, không biết chúng tôi sẽ cầm cự được bao lâu".

Công ty thông tin doanh nghiệp Israel CofaceBDI ghi nhận khoảng 46.000 doanh nghiệp đã đóng cửa kể từ khi giao tranh với Hamas nổ ra năm ngoái. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ chiếm tới 75%, chủ yếu do quản lý hoặc nhân viên bị gọi đi thực hiện nghĩa vụ quân nhân dự bị.

Nhà ăn không một bóng người tại khách sạn American Colony ở Jerusalem (Israel) hồi đầu tháng. Ảnh: AP
Nhà ăn không một bóng người tại khách sạn American Colony ở Jerusalem (Israel) hồi đầu tháng. Ảnh: AP

Ngay cả khách sạn American Colony, một điểm dừng chân nổi tiếng của các chính trị gia, nhà ngoại giao và ngôi sao điện ảnh ở Jerusalem, cũng sa thải nhiều nhân công và đang cân nhắc cắt giảm lương.

“Chúng tôi từng nghĩ đến việc đóng cửa trong vài tháng,” Jeremy Berkovitz, đại diện lãnh đạo khách sạn American Colody, thừa nhận. “Nhưng dĩ nhiên điều này đồng nghĩa với việc sa thải toàn bộ nhân viên, và bỏ hoang những khu vườn mà chúng tôi đã gây trồng hơn 120 năm qua”.

Meir Sabag, một người bán đồ cổ ở Haifa, cho biết tình hình kinh doanh hiện tại còn tệ hơn cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Vốn là một trung tâm xuất nhập khẩu lớn của Israel, nơi các tàu hàng qua lại tấp nập, Haifa trở nên yên ắng suốt những ngày qua. Trong bối cảnh lực lượng Houthi ở Yemen gây nguy hiểm đến các tuyến đường thủy qua Kênh đào Suez, nhiều chuyến tàu đường dài không còn dám neo đậu tại các cảng biển ở Israel.

Theo một quan chức giấu tên, tính riêng nửa đầu năm nay, ​​lượng hàng cập cảng ở Israel giảm tới 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, trước những mối đe dọa từ Iran cùng lực lượng Hezbollah ở Lebanon, nhiều hãng hàng không lớn như Delta, United hay Lufthansa đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ quốc gia này.

Những con số bi quan

Theo báo cáo mới đây từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế Israel vừa trải qua đơt suy thoái lớn nhất trong khoảng ​​tháng 4-6 năm nay. Ngân hàng Israel từng dự báo GDP trong nước sẽ tăng 3% vào năm 2024, nhưng hiện tại, con số này giảm xuống còn 1,5%, và chỉ có thể đạt được nếu chiến sự kết thúc trong năm nay.

Tổ chức Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Israel từ A+ xuống A đầu tháng này, sau khi các tổ chức S&P và Moody's có động thái tương tự. “Theo quan điểm của chúng tôi, cuộc xung đột ở Gaza có thể kéo dài đến năm 2025, Điều này làm tăng đáng kể chi phí quân sự, phá hủy cơ sở hạ tầng, và gây thiệt hại lâu dài đối với các hoạt động kinh tế và đầu tư”, phía Fitch cảnh báo.

Thành phố Haifa, một trung tâm xuất nhập khẩu lớn của Israel, trở nên yên ắng những ngày qua. Ảnh: AP
Thành phố Haifa, một trung tâm xuất nhập khẩu lớn của Israel, trở nên yên ắng những ngày qua. Ảnh: AP

Trong một dấu hiệu đáng lo ngại khác, Bộ Tài chính Israel tháng này cho biết mức thâm hụt ngân sách 12 tháng qua đã tăng lên hơn 8% GDP, vượt xa mức 6,6% GDP mà cơ quan này từng dự báo​. Năm ngoái, thâm hụt ngân sách của nước này chỉ rơi vào khoảng 4% GDP.

Việc bị hạ xếp hạng tín nhiệm và thâm hụt tăng cao khiến chính phủ Israel đứng trước áp lực phải đưa ra các quyết định không được lòng dân, như tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu. Chúng cũng làm phật ý phe "cứng rắn" trong nội các Thủ tướng Netanyahu, những người muốn duy trì sự hiện diện quân sự của Israel ở Dải Gaza.

Song theo nhà kinh tế Yacov Sheinin, lối thoát tốt nhất cho kinh tế Israel là sớm chấm dứt tình trạng giao tranh. “Nếu còn ngoan cố và tiếp tục cuộc chiến này, chúng ta sẽ không thể phục hồi,” vị chuyên gia cảnh báo.