Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Mỹ chính thức rơi vào suy thoái

Vân Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) công bố kinh tế Mỹ suy thoái từ tháng 2, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục.

Cụ thể, NBER khẳng định, nền kinh tế Mỹ chính thức rơi vào thời kỳ suy thoái trong tháng 2, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục trong lịch sử vì đại dịch Covid-19.
Theo NBER, sự sụt giảm nghiêm trọng chưa từng thấy về việc làm và sản xuất, cũng như toàn bộ nền kinh tế là những yếu tố then chốt khiến nền kinh tế Mỹ “lao đao” vì dịch Covid-19.
Kinh tế Mỹ chính thức rơi vào thời kỳ suy thoái trong tháng 2 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 
Trong một tuyên bố mới đây, NBER nhận định rằng trước khi đưa ra công bố chính xác về mốc thời gian của giai đoạn suy thoái kinh tế, các nhà nghiên cứu cần suy xét các yếu tố có liên quan đến mức độ ảnh hưởng, tốc độ sụt giảm…
Các chuyên gia của NBER cho rằng sự bùng phát của dịch Covid-19, lệnh cách ly xã hội nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện đang ở mức báo động “đỏ sàn” khi tăng từ 3,5% vào tháng 2, đạt 13,3% ở tháng 3 và tiếp tục “leo dốc” dừng ở con số 14,7% chỉ trong tháng 4 năm nay.
Đại dịch Covid-19 đã đặt dấu chấm hết cho chuỗi tăng trưởng dài kỷ lục của Mỹ, bắt đầu từ sau khủng hoảng tài chính. Thông thường, các nhà kinh tế học định nghĩa suy thoái là hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Mỹ đã tăng trưởng âm trong quý I, với GDP giảm 5%.
Tuy nhiên, NBER đã quyết định không đợi thêm một quý giảm nữa để công bố, dù tất cả đều dự báo GDP quý này sẽ đi xuống. "Nền kinh tế đã co lại rất nhanh trong tháng 3", NBER cho biết. Đến hết quý I, cả GDP và số liệu việc làm đều "thấp hơn đáng kể" so với quý cuối năm ngoái.
Về lý thuyết, một nền kinh tế được xác định là suy thoái khi có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ (GDP) trong quý I/2020 sụt giảm mạnh, chạm mức 4,8%. Tình hình GDP quý II/2020 được dự báo tiếp tục “lao dốc không phanh”, dừng ở ngưỡng thấp kỷ lục - khoảng hơn 20%.
Song nhóm nghiên cứu NBER nhận định rằng suy thoái kinh tế do Covid-19 có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt sau khi xuất hiện một số tín hiệu lạc quan đối với thị trường việc làm ở Mỹ. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái ngắn và sâu nhất trong lịch sử.
Đây được xem là cuộc suy thoái đầu tiên kể từ năm 2009 đối với nền kinh tế Mỹ, khi cuộc suy thoái cuối cùng kết thúc và mở ra đà tăng trưởng dài nhất kể từ năm 1854 là 128 tháng. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán cuộc suy thoái lần này sẽ đặc biệt sâu sắc và diễn ra trong thời gian ngắn, có thể chỉ là vài tháng, khi các tiểu bang và hoạt động kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại.
Tốc độ phục hồi nền kinh tế là yếu tố quan trọng trong việc xác định chính xác mức độ ảnh hưởng và tác động lâu dài đối với nước Mỹ. Điển hình, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009 đã khiến hàng trăm nghìn công nhân mất việc làm, tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, khiến cho đời sống của người dân thuộc tầng lớp thu nhập thấp lao đao, khốn cùng.