Kinh tế Mỹ có trụ vững trước nguy cơ chính phủ vỡ nợ?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước Mỹ đang phải đối diện với một trong những cuộc khủng hoảng nợ công lớn nhất trong lịch sử, đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả nếu không muốn chính phủ rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vỡ nợ xảy ra khi chính phủ không có khả năng hoặc không muốn thực hiện một số hay toàn bộ nghĩa vụ nợ với bên cho vay.

Với trường hợp của nước Mỹ, việc không có đủ tiền để thanh toán các khoản nợ sẽ buộc chính phủ nước này phải tính đến các giải pháp khẩn cấp để giải quyết tình tình trước khi tình huống xấu nhất ập đến. Và một trong những giải pháp đang được hai Đảng đối lập của xử sở cờ hoa tranh luận gần đây là tăng trần nợ.

Vậy trần nợ là gì?

Mỹ cần vay tiền để thanh toán các khoản chi tiêu của chính phủ và giới hạn vay là mức trần cứng (còn gọi là trần nợ), tức là giới hạn số tiền mà chính phủ liên bang có thể vay bất cứ lúc nào.

Trong phần lớn lịch sử, nước Mỹ thường chi rất nhiều cho các hoạt động liên quan đến giáo dục, y tế, quốc phòng, quân sự. Điều này buộc họ phải vay một khoản tiền lớn để thanh toán và tổng của tất cả các khoản vay chưa trả đó là nợ quốc gia. Hiện, nợ công của Mỹ đã lên đến hơn 31 nghìn tỷ USD.

Tại sao lại xuất hiện trần nợ?

Hơn một thế kỷ trước, Quốc hội Mỹ đã tạo ra hệ thống này để cho phép chính phủ vay nhiều hơn trong thời chiến. Vào năm 1917, các nhà lập pháp đã thông qua trần nợ đầu tiên cho phép Tổng thống Woodrow Wilson chi số tiền cần thiết trang trải cho các chi phí của Mỹ khi tham chiến trong Thế chiến thứ nhất, mà không cần phải chờ đợi các nhà lập pháp. Tại thời điểm đó, Quốc hội đã đặt trần nợ là 11,5 tỷ USD và mọi yêu cầu tăng đều phải có sự cho phép của cơ quan này. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, kể từ Thế chiến II, trần nợ đã được sửa đổi hơn 100 lần. Trong đó, thay đổi mới nhất diễn ra vào năm 2021, khi trần nợ được nâng lên 31,38 nghìn tỷ USD.

Nợ nước Mỹ chạm trần vào thời điểm nào?

Hiện tại thời gian chính xác của việc này vẫn chưa thể xác định được. Như đã biết, Mỹ đã tăng trần nợ vào tháng Giêng năm nay. Kể từ đó, Bộ Tài chính đã sử dụng các thuật ngữ kế toán như “Các biện pháp đặc biệt” để giữ cho chính phủ liên bang không bị vỡ nợ. Tuy nhiên, mọi thứ đang dần tồi tệ hơn.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, một vụ vỡ nợ có thể xảy ra sớm nhất là vào ngày 1/6/2023 nếu Quốc hội và Tổng thống không hành động. Trung tâm chính sách lưỡng đảng đã dự báo viễn cảnh này có thể xảy ra từ khoảng 2-13/6.

Vậy điều gì sẽ xảy đến với nước Mỹ nếu vỡ nợ?

Điều này phụ thuộc vào thời gian vỡ nợ kéo dài bao lâu và quy mô của khoản nợ, tuy nhiên, nếu tình hình này không được sớm giải quyết,  tác động lan tỏa kinh tế có thể sẽ mở rộng ở phạm vi quốc gia và toàn cầu.

Tuy nhiên cũng cần phải biết rằng, mặc dù đã có những thời điểm trong lịch sử Mỹ không trả được nợ, nhưng quốc gia này vẫn luôn đứng vững trước mọi biến cố.

Nếu Mỹ vỡ nợ, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng sẽ lan rộng trên toàn quốc. Thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu dự báo sẽ lao dốc không phanh. Tiếp theo đó là người dân Mỹ, khi cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng tới các khoản tiết kiệm hưu trí, đại học, đầu tư.

Theo Trung tâm Chính sách lưỡng đảng, một số chương trình liên bang như An sinh xã hội, Medicare, Medicaid, trợ cấp cựu chiến binh, trợ cấp SNAP có thể sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên do vỡ nợ.

Đồng đô la vốn được coi là đồng tiền dự trữ toàn cầu và trái phiếu Mỹ là một trong những khoản đầu tư ổn định nhất trên thế giới. Nếu Washington không thể thanh toán cho các chủ nợ, lãi suất đối với khoản nợ này sẽ tăng lên và sẽ kéo theo một loạt lãi suất cao hơn như: lãi suất thế chấp, thẻ tín dụng, hay cho vay tiêu dùng.

Cuối cùng, mối lo ngại thực sự đối với nền kinh tế là việc vỡ nợ có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái. Tức là sẽ có ít việc làm hơn và mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ.

Và trong vòng 30 năm nữa, chỉ riêng tiền lãi đối với khoản nợ của Mỹ ước tính sẽ chiếm tới 50% tiền thuế. Hậu quả sẽ dẫn đến việc cắt giảm đáng kể chi tiêu cùng với tăng thuế để cải thiện tình trạng.

Không  những vậy, nếu không có gì thay đổi, ngay sau năm 2035, trợ cấp An sinh xã hội sẽ bị cắt giảm lên đến 23%,

Nước Mỹ đang đứng trước cuộc khủng hoảng nợ lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: PBS NewsHour
Nước Mỹ đang đứng trước cuộc khủng hoảng nợ lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: PBS NewsHour

Liệu tu chính án 14 có thực sự là một cứu cánh cho nước Mỹ?

Gần đây, Tu chính án 14 đang nổi lên như phương án được Tổng thống Biden tính tới để giải quyết vấn đề khủng hoảng nợ ở nước Mỹ.  Theo Hiến pháp, Tu chính án này có điều khoản cấp quyền công dân cho những người từng là nô lệ. Bên cạnh đó, nó cũng có quy định: “Tính hợp lệ khoản nợ công của Mỹ được pháp luật cho phép… sẽ không thể thoái thác.”

Điều khoản này ra đời do xuất hiện lo ngại các bang miền Nam có thể từ chối trả những khoản nợ liên bang phát sinh trong thời kỳ nội chiến Mỹ.

Theo đó, các chuyên gia lập luận khi kích hoạt Khoản 4 trong Tu chính án thứ 14, Tổng thống Biden có quyền ra lệnh thanh toán các khoản nợ của quốc gia bất kể trần nợ mà quốc hội đặt ra.

Cơ sở cho lập luận này là khi Khoản 4 trong Tu chính án thứ 14 cấm hành vi thoái thác trả nợ công, mọi hành vi ngừng thanh toán các khoản nợ và chi tiêu liên bang là vi hiến. Bởi vậy, giới hạn nợ do các nhà lập pháp đặt ra đối với nợ liên bang cũng không thể được công nhận.

Tổng thống Joe Biden tin rằng điều này sẽ trao cho ông quyền đơn phương hủy bỏ hoặc đơn phương tăng thêm trần nợ.

Tuy nhiên, một hạn chế của việc sử dụng Tu chính án thứ 14 theo cách này là chưa được kiểm chứng và thực hiện. Thêm vào đó, điều này sẽ gây chia rẽ về mặt chính trị. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và các đảng viên Cộng hòa khác đã phản đối rõ ràng việc triển khai Tu chính án thứ 14 này.