Kinh tế Nhật Bản đối mặt thách thức giữa đợt bùng phát Covid-19 mới

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới hiện rất mong manh trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lạm phát gia tăng, đặc biệt là những khó khăn từ đợt tái bùng phát dịch Covid-19.

Người dân mua sắm tại một chợ ở thủ đô Tokyo. Ảnh: Kyodo
Người dân mua sắm tại một chợ ở thủ đô Tokyo. Ảnh: Kyodo

Theo Xinhua, Văn phòng Nội các Nhật Bản mới đây thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II đạt mức tăng 2,2%, song các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Nhật Bản còn thiếu động lực tăng trưởng và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong những tháng còn lại của năm nay.

Mặc dù GDP quý II/2022 tăng 0,5% so với quý trước đó, nhưng con số này lại thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Theo dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng của Nhật Bản trong quý II hoàn toàn dựa vào nhu cầu tiêu dùng trong nước - lĩnh vực đóng góp 0,5% vào tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian từ tháng 4-tháng 6/2022, lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản, bao gồm cả ăn uống và lưu trú tại khách sạn, phục hồi mạnh mẽ và tiêu dùng cá nhân tăng 1,1% so với quý I/2022.

Đóng góp vào tăng trưởng GPP từ lĩnh vực xuất khẩu tăng trưởng tốt, song nhập khẩu cũng tăng mạnh do giá các mặt hàng năng lượng và nguyên liệu tăng cao. Đầu tư thiết bị của các doanh nghiệp, một ngành trụ cột khác của tiêu dùng trong nước, tăng 1,4%. Trong khi đó, đầu tư của cá nhân lại giảm 1,9% so với quý trước.

Theo truyền thông và giới chuyên gia Nhật Bản, lĩnh vực tiêu dùng cá nhân vẫn ghi nhận mức tăng yếu trong quý II và thấp hơn kỳ vọng. Kết quả khảo sát do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thực hiện cho thấy, thu nhập thực tế của hộ gia đình trong quý II sụt 2% so với một năm trước đó, trong khi chi tiêu tiêu dùng thực tế giảm 0,7%.

Các chuyên gia lưu ý rằng thu nhập thực tế giảm ở Nhật Bản sẽ buộc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh giá cả tăng cao, và sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản vẫn đối mặt nhiều thách thức từ những rủi ra trong và ngoài nước.

Giữa làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ bảy, Nhật Bản đã ghi nhận gần 1,4 triệu ca nhiễm mới trong tuần từ 8-14/8. Nhật Bản tiếp tục có số ca nhiễm hàng tuần cao nhất trên thế giới với hơn 200.000 người/ngày trong tuần thứ tư liên tiếp, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Mặc dù chính phủ Nhật Bản không áp đặt các biện pháp hạn chế hoạt động kinh tế, nhưng hoạt động tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng do tâm lý của người dân.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang thiếu hụt lao động trầm trọng khi hàng trăm ngàn người mắc Covid-19 và những người tiếp xúc gần phải ở nhà để cách ly. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các nhà máy và làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn nguồn cung.

Các nhà phân tích lưu ý thêm rằng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái có thể tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 xuống còn 3,2%, do sự hạ nhiệt nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Văn phòng Nội các Nhật Bản gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm tài khóa 2022 (kết thúc vào tháng 3/2023) từ 3,2% xuống 2%, do rủi ro suy thoái của Mỹ có thể gây ra thách thức lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2022 xuống còn 1,7%, giảm so với mức 2,4% đưa ra vào  tháng 4.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng các chính sách kinh tế và an ninh của Nhật Bản, mà Thủ tướng Kishida Fumio đang thúc đẩy mạnh mẽ, cũng có khả năng tạo ra những “cơn gió ngược” cho nền kinh tế Nhật Bản trong tương lai khi một loạt các sắc lệnh đặc biệt của chính phủ tập trung vào luật an ninh kinh tế, có khả năng làm tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp. Chuyên gia Yasuhide Yajima - nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu NLI nhận định rằng chính quyền của Thủ tướng Kishida sẽ "ưu tiên an ninh nếu phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế”.