Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kinh tế thế giới hậu Covid-19] Bài 1: Thoát khỏi "sự quyến rũ" Trung Hoa

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 lây lan toàn cầu một lần nữa làm nóng lên lời kêu gọi thế giới phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào công xưởng Trung Quốc. Vậy nhưng trên thực tế, không dễ để tìm được nơi sản xuất có khả năng thay thế hoàn toàn những hệ thống đã ăn sâu bám rễ nhiều thập kỷ.

Khi tâm dịch bùng phát tại Trung Quốc - Vũ Hán - bị khóa chặt hồi cuối tháng 1, sự chậm trễ trong các đơn đặt hàng của nhiều nhà máy nơi đây là khó tránh khỏi. Số liệu của hãng phân tích thương mại Dun & Bradstreet cho thấy, ít nhất 51.000 công ty có một hoặc nhiều nhà cung cấp trực tiếp tại Vũ Hán, trong khi 5 triệu DN có một hoặc nhiều nhà cung cấp cấp II tại khu vực. Từ đó để thấy, vấn đề của sự phụ thuộc sâu đậm vào các công xưởng Trung Quốc không còn bó hẹp trong mình Đông Nam Á.
Khảo sát hồi tháng 3 của Viện Quản lý cung ứng (ISM) cũng cho thấy thực trạng báo động của chuỗi cung ứng toàn cầu: Gần 75% các DN đã báo cáo sự gián đoạn chuỗi cung ứng dưới nhiều hình thức do các hạn chế vận chuyển liên quan đến sự bùng phát dịch Covid-19, và con số này dự kiến sẽ tăng thêm trong vài tuần cho tới vài tháng. 57% các công ty báo cáo gặp gián đoạn do mất thông tin với chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. 44% các công ty khẳng định không có kế hoạch dự phòng cho trường hợp gián đoạn trở lại.
Một trường hợp điển hình, “gã khổng lồ” công nghệ Apple là một trong những công ty lớn đầu tiên trên toàn cầu thông báo cho các nhà đầu tư về việc hoãn dự báo doanh thu quý I, một phần do sự chậm trễ trong sản xuất của các nhà máy lắp ráp có trụ sở tại Trung Quốc. Mặc dù Apple đã bắt đầu chuyển một số hoạt động sản xuất sang Ấn Độ và Việt Nam, nhưng công ty vẫn phải phụ thuộc vào các nhà máy lắp ráp của Trung Quốc để đáp ứng hàng tồn kho của mình.
Sự lây lan của virus corona nhấn mạnh một sự thật là đối với các lĩnh vực công nghệ, ô tô, điện tử, dược phẩm, thiết bị y tế và hàng tiêu dùng, gần như tất cả các chuỗi cung ứng đều hướng về Trung Quốc với vai trò là nhà cung cấp nguyên liệu và linh kiện trung gian toàn cầu.
[Kinh tế thế giới hậu Covid-19] Bài 1: Thoát khỏi "sự quyến rũ" Trung Hoa - Ảnh 2
Đã có những so sánh với đại dịch cúm năm 1918 nhằm phủ nhận sức ảnh hưởng này của Trung Quốc, nhưng thực tế là chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu sau Thế chiến I và thế giới chúng ta đang sống ngày nay rất khác nhau. Lấy ví dụ, khi virus SARS tấn công vào năm 2003, Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 4% GDP của thế giới. Ngày nay, con số đó là 17 - 20%, khiến việc Covid-19 bùng phát tại quốc gia này trở thành nỗi đau đớn và tai hại gấp nhiều lần từ góc độ ngành công nghiệp.
Nhằm giảm đau và giảm thiểu rủi ro về lâu dài, một số chính phủ đang khuyến khích các nhà sản xuất nhanh chóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhật Bản đã lên kế hoạch dành 2,2 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế Covid-19 vào việc hỗ trợ các hãng chuyển nhà máy ra bên ngoài Trung Quốc. Trong khi cũng có những áp lực nhất định tại Mỹ và một số nước khác, nhằm kéo sản xuất thiết yếu, như dược phẩm và thiết bị y tế, về gần nhà, hoặc ít nhất là ra khỏi Trung Quốc.
Chính xác hơn, đại dịch bùng phát đã đẩy nhanh các kế hoạch giảm phụ thuộc có sẵn từ trước. Bên cạnh chi phí lao động ngày càng tăng, chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung đã thúc đẩy các hãng trên toàn cầu phải đánh giá lại chiến lược của họ về nguồn cung đơn lẻ.
Báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Hoa Kỳ tháng 7/2019 cho thấy, hơn 80% các thương hiệu thời trang đã lên kế hoạch giảm nguồn cung từ Trung Quốc. Chủ tịch Wistron Corp - nhà lắp ráp iPhone - từng tuyên bố rằng công ty sẽ xác định 50% công suất bên ngoài Trung Quốc vào năm 2021.
Tuy nhiên trên thực tế, rời khỏi “công xưởng thế giới” Trung Quốc là điều nói dễ hơn làm, ngay cả với những DN có sản xuất đa dạng. Từng dự đoán thuế quan gia tăng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhà sản xuất trò chơi điện tử Nintendo đã nhanh chóng chuyển một dự án “bóm tấn” - sản xuất máy chơi game Switch - sang Việt Nam vào năm 2019. Vậy nhưng số lượng máy ra lò hiện được cho vẫn còn hạn chế, bởi dịch bệnh đã tạm ngưng dòng linh kiện Trung Quốc cung cấp cho các nhà máy tại Việt Nam.
Các lĩnh vực công nghệ và điện tử tiêu dùng toàn cầu đặc biệt phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và đội ngũ lao động chuyên môn cao của Trung Quốc, là 2 yếu tố không dễ nhân rộng một sớm, một chiều.
Giữa dịch bệnh rối ren, Chính phủ Bắc Kinh không ngừng huy động các nguồn lực để chào mời các nhà sản xuất. Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã chỉ định nhóm quan chức riêng để hỗ trợ đối tác Foxconn của Apple trong việc giảm thiểu sự gián đoạn do virus gây ra, trong khi Bộ Tài chính nước này đang tăng cường hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực sản xuất.
Cuối cùng, các nhà sản xuất vẫn phải ghi nhận tiềm năng của Trung Quốc như là một thị trường tiêu dùng lớn, chẳng hạn như với iPhone hiện nay hay các công nghệ tiên tiến như xe tự hành và thiết bị thông minh trong tương lai. Một cuộc thăm dò nhanh hồi tháng 3 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho thấy các DN Mỹ vẫn đang giữ triển vọng tương tốt đối với người tiêu dùng Trung Quốc, bất chấp tác động của dịch bệnh: 46% DN báo cáo có ý định duy trì các khoản đầu tư theo kế hoạch với lĩnh vực tiêu dùng, tiếp theo là ngành công nghệ (43%).
[Kinh tế thế giới hậu Covid-19] Bài 1: Thoát khỏi "sự quyến rũ" Trung Hoa - Ảnh 3
Rõ ràng, thoát khỏi “sự quyến rũ” từ muôn hướng của Trung Quốc không dễ dàng, nhưng chắc chắn là bài toán bắt buộc phải có lời giải, để tránh lặp lại ác mộng đứt gãy chuỗi cung ứng trong thế giới hậu Covid-19. Tương lai, đảm bảo khả năng phục hồi cao hơn của chuỗi cung ứng có thể trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư, trong việc đánh giá khả năng của các công ty, phòng trường hợp có thể tiếp tục xảy ra các thiên tai, thảm họa tương tự.
Và thay vì mong chờ sự điều hướng toàn bộ ngay lập tức, các lĩnh vực có giá trị thấp hơn, chẳng hạn như may mặc, được cho sẽ dễ dàng thúc đẩy đa dạng hóa. Thật vậy, nhiều nhà sản xuất hàng may mặc đã đa dạng hóa thành công từ Trung Quốc đến các nước như Việt Nam, Campuchia và Ethiopia, trên cơ sở chi phí nhân công tăng.
Bên cạnh đó, tình hình hiện tại đang đẩy nhanh các sáng kiến chuyển đổi số khắp nơi, trong đó các DN định hình một chuỗi cung ứng kiên cường trong thời gian tới nghĩa là giảm sự phụ thuộc vào lao động thể chất trong các khâu vận chuyển, hậu cần và kho bãi - vốn là thế mạnh lâu nay của ngành sản xuất chi phí thấp Trung Quốc.
Các DN được cho sẽ chú ý nhiều đến việc cung cấp các hệ thống quan trọng trên nền tảng đám mây để nhân viên có thể truy cập từ xa, cho phép kinh doanh được liên tục. Kịch bản này đã được chứng minh là vô cùng cần thiết trong những ngày giãn cách xã hội diễn ra trên khắp thế giới.
Theo Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng phòng Tư vấn kỹ thuật số ngành công nghiệp tại HCL Technologies, Amitava Sengupta nhận định: “Các nhà máy có khả năng mô-đun hóa các dây chuyền sản xuất và chuyển đổi hoặc thích ứng do thay đổi nhu cầu, sẽ là chuẩn mực của tương lai”. Hơn lúc nào hết, hậu Covid-19 rõ ràng là thời điểm vàng để đẩy mạnh thử nghiệm điều hướng chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng công nghệ đối với mọi thương hiệu, DN và quốc gia.
Như sự nứt vỡ của chuỗi cung ứng, hệ thống tài chính - thương mại thế giới nói chung đã bộc lộ nhiều vấn đề trong cuộc khủng hoảng Covid-19, làm dấy lên nghi ngại rằng liệu đây có phải là giai đoạn thoái trào của kỷ nguyên toàn cầu hóa? Câu trả lời sẽ có trong bài 2, chuỗi bài Kinh tế thế giới hậu Covid-19.