Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế toàn cầu đối mặt kịch bản tồi tệ nhất trong 80 năm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu cảnh báo thành hiện thực, lần đầu tiên trong hơn 80 năm có hai cuộc suy thoái trong vòng 1 thập kỷ.

Đối mặt nguy cơ suy thoái

WB dự đoán ​​tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 là 1,7% - mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ. Ảnh: AP
WB dự đoán ​​tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 là 1,7% - mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ. Ảnh: AP

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu với những dự báo không mấy lạc quan. Theo đó, WB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 của nhiều quốc gia xuống gần bờ vực suy thoái do tác động từ việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, xung đột Nga-Ukraine và sự tăng trưởng chậm của các nền kinh tế lớn.

Do điều kiện kinh tế mong manh, theo WB, bất kỳ diễn biến bất lợi mới nào, chẳng hạn như lạm phát cao hơn dự kiến, lãi suất tăng đột ngột để kiềm chế lạm phát, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang, có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Ông Ayhan Kose - Giám đốc Nhóm Triển vọng của WB, cho biết: “Những rủi ro mà chúng tôi cảnh báo trước đó 6 tháng đã thành hiện thực, đó là nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ vực suy thoái trong năm 2023 nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ”.

Nếu tiên lượng ảm đạm của Ngân hàng Thế giới thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1930 xảy ra 2 cuộc suy thoái toàn cầu trong cùng một thập kỷ.

WB dự đoán ​​tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 là 1,7% - mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ (không tính các năm suy thoái kinh tế 2009 và 2020). Trước đó, hồi tháng 6/2022, WB đã dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 ở mức 3,0%. Tuy nhiên, đây là dự báo trong tình hình không có thêm diễn biến bất lợi mới nào.

Tăng trưởng suy giảm mạnh dự kiến sẽ lan rộng, với dự báo điều chỉnh giảm đối với 95% nền kinh tế phát triển và gần 70% các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển (EMDE) vào năm 2023.

WB cũng hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2024 xuống mức 2,7% so với mức 2,9% mà cơ quan này đưa ra hồi năm ngoái. Cũng theo dự báo của WB, mức tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 2020-2024 sẽ ở mức dưới 2% - tốc độ chậm nhất kể từ năm 1960.

3 đầu tàu kinh tế thế giới cùng giảm tốc

Theo báo cáo mới nhất của WB, 3 động lực tăng trưởng chính của thế giới, gồm Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc - đang trải qua thời kỳ suy yếu rõ rệt, với tác động lan tỏa bất lợi đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Điều này có thể báo trước một cuộc suy thoái toàn cầu mới chưa đầy 3 năm sau cuộc suy thoái năm 2020.

WB dự đoán mức tăng trưởng của Mỹ năm 2023 sẽ đạt 0,5%, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó, Trung Quốc là 4,3% (giảm 0,9% so với dự báo hồi tháng 6/2022) và khu vực Eurozone chỉ đạt ​​mức tăng trưởng 0% - điều chỉnh giảm từ mức dự báo 1,9% trước đó.

WB cảnh báo tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển được dự đoán sẽ chậm lại, từ 2,5% vào năm 2022 xuống còn 0,5% vào năm 2023. Trong 2 thập kỷ qua, sự suy giảm lớn cỡ này thường báo trước một cuộc suy thoái toàn cầu.

Nếu loại trừ Trung Quốc, tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ giảm từ 3,8% năm 2022 xuống 2,7% vào năm 2023, phản ánh nhu cầu trên thị trường nước ngoài giảm đáng kể cộng với lạm phát cao, đồng tiền mất giá, điều kiện tài chính thắt chặt hơn và các khó khăn khác ở trong nước.

Báo cáo cũng làm sáng tỏ tình thế tiến thoái lưỡng nan của 37 quốc gia nhỏ - những quốc gia có dân số từ 1,5 triệu người trở xuống. Các nước này bị suy thoái do đại dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn và khả năng phục hồi yếu hơn nhiều so với nhiều nền kinh tế khác, một phần là do hoạt động du lịch bị gián đoạn kéo dài.

Các quốc gia nhỏ thường phải chịu tổn thất liên quan đến thiên tai, trung bình khoảng 5% GDP mỗi năm. Điều này tạo ra những trở ngại nghiêm trọng cho phát triển kinh tế.