Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Trung Quốc: Bao giờ lại như xưa?

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo công bố mới đây nhất của cơ quan thống kê nhà nước Trung Quốc, kinh tế nước này trong 3 tháng đầu năm nay tăng trưởng âm 6,8%. Việc kinh tế Trung Quốc bị tổn hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra không khiến thiên hạ bị bất ngờ nhưng mức độ sa sút đến thế khiến tất cả bị ngỡ ngàng.

Ngay sau sự ngỡ ngàng ấy là nỗi lo ngại sâu sắc về tình hình hiện tại và triển vọng của tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới. Từ nhiều thập kỷ nay, Trung Quốc luôn đạt được mức độ tăng trưởng kinh tế hàng năm rất ấn tượng và được coi là một trong những đầu tàu quan trọng nhất của tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công ở nhiều nơi trên thế giới hồi những năm 2008/2009 đẩy kinh tế thế giới chưa hẳn đến nỗi lâm vào khủng hoảng nhưng đã vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã đóng vai trò rất quan trọng và quyết định giúp cho kinh tế và thương mại thế giới nhanh chóng khôi phục nhịp độ tăng trưởng trở lại.
Một nhà máy sản xuất khẩu trang của Tập đoàn Y tế Naton ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Dịch bệnh hiện tại chưa đưa đến một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới nhưng đã buộc các tổ chức và thể chế kinh tế, tài chính và tiền tệ đa phương quốc tế phải đưa ra những dự báo đầy bi quan về triển vọng tình hình của kinh tế và thương mại thế giới trong năm 2020. Số liệu thống kê mới được phía Trung Quốc chính thức công bố trên kia xác nhận những dự báo đã được đưa ra là có cơ sở xác đáng.

Dịch bệnh này đã làm cho Trung Quốc không những chỉ bị đầu tắt mặt tối với công cuộc đối phó dịch bệnh mà còn làm cho nền kinh tế lớn thứ hai này sứt đầu mẻ trán trên nhiều phương diện. Theo công bố mới nói trên thì lần đầu tiên kể từ năm 1976 đến nay, tức là kể từ sau cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc mới bị nếm trải tăng trưởng âm mà lại còn tăng trưởng âm ở mức độ cao đến như thế.

Cũng lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc tiến hành công bố số liệu thống kê về tình hình tăng trưởng kinh tế và thương mại theo quý trong năm mới có một quý với tình trạng kinh tế tăng trưởng âm như trong 3 tháng đầu năm nay. Chỉ như thế thôi đã đủ để thấy 4 điều rất đáng được chú ý.

Thứ nhất là thể diện và uy danh quốc tế của Trung Quốc bị tổn hại nặng nề. Từ nay, thế giới bên ngoài phải nhìn Trung Quốc bằng con mắt khác và không thể không hoài nghi về tính bền vững trong tăng trưởng của kinh tế và thương mại của Trung Quốc. Điều này sẽ đưa lại những hệ lụy bất lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại của Trung Quốc trong tương lai.

Thứ hai, dịch bệnh đã làm bộc lộ nền kinh tế Trung Quốc dễ bị tổn thương như thế nào và ở đâu cũng như cách vận hành của nền kinh tế Trung Quốc hiện bất cập như thế nào.

Thứ ba, lần này phục hồi tăng trưởng kinh tế và thương mại của Trung Quốc không thể dễ dàng, thuận lợi và nhanh chóng như Trung Quốc đã làm được hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công những năm 2008/2009.

Thứ tư, cũng vì thế mà kinh tế và thương mại thế giới năm nay không thể nhờ cậy được ngay và nhiều vào động lực và tác dụng thúc đẩy từ tăng trưởng của kinh tế và thương mại của Trung Quốc như hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công hồi 2008/2009.

Năm nay, Trung Quốc không dễ dàng và nhanh chóng trở lại được như xưa trên phương diện nhịp độ tăng trưởng kinh tế và thương mại chủ yếu vì những lý do sau đây. Thứ nhất là tác động của dịch bệnh quá ghê gớm, làm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng âm quá cao mà Trung Quốc hiện chưa biết đến khi nào mới qua được dịch bệnh và thế giới bên ngoài Trung Quốc cũng chưa biết đến khi nào mới hết dịch bệnh. Tức là Trung Quốc vẫn còn tiếp tục phải trả giá đắt thêm thời gian nữa.

Thứ hai, dịch bệnh này tác động tai hại tới cả thế giới và tới tất cả mọi đối tác kinh tế và thương mại lớn, quan trọng nhất của Trung Quốc. Tăng trưởng của kinh tế và thương mại của các đối tác này phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế và thương mại của Trung Quốc nhưng ngược lại cũng như thế mà các đối tác này nhiều khả năng ra khỏi dịch bệnh còn sau Trung Quốc.

Thứ ba, dịch bệnh làm suy giảm cả cung ứng lẫn nhu cầu trên thị trường. Trung Quốc cũng bị lệ thuộc vào cung ứng linh kiện và bán thành phẩm như bên ngoài phụ thuộc vào gia công và lắp ráp ở Trung Quốc. Cho nên chừng nào bên ngoài chưa phục hồi sản suất hoàn toàn thì Trung Quốc cũng chưa thể phục hồi sản xuất kinh doanh được hoàn toàn.

Dịch bệnh đã nhằm vào một trong những điểm yếu nhất của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, của phân công lao động quốc tế và tự do hóa thương mại là tính dễ bị đổ vỡ của mạng lưới các chuỗi cung ứng và tạo giá trị toàn cầu.

Cho nên hiện tại, Trung Quốc chắc chắn rất muốn nhưng chưa thể trả lời được câu hỏi về bao giờ lại được như ngày trước.