Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Trung Quốc bứt tốc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế đang phát triển mạnh của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ vượt qua 56 quốc gia trong bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người trên thế giới vào năm 2025.

Dự báo, trích từ dự án Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tháng trước, đưa Trung Quốc tiến gần đến việc gia nhập nhóm 1/3 quốc gia giàu nhất sau 1/4 thế kỷ.

Cường quốc châu Á được dự báo sẽ có GDP bình quân đầu người - được điều chỉnh theo sức mua - ở mức 25.307 USD vào năm 2025. Con số này sẽ vượt qua Argentina, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới thế kỷ trước nhưng hiện đang chìm trong khủng hoảng nợ và tiền tệ.

Jim O'Neill, cựu giám đốc Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu tại Goldman Sachs, và là "cha đẻ" của cụm từ BRICS - nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, nói rằng, khối BRICS "có thể trở nên lớn hơn cả các nước G7 trong những năm 2030", và “điều này phần lớn là nhờ Trung Quốc".

Cũng theo dự báo của IMF, trong số các nền kinh tế G-7, GDP bình quân đầu người dư kiến sẽ tăng từ 31.471 USD lên 64.582 USD vào năm 2025. Italia là nước thành viên duy nhất được dự báo sẽ giảm mạnh trong bảng xếp hạng, xuống vị trí 35 từ thứ 21.

Mỹ, từ nước xếp thứ 11 vào năm 2000, với GDP bình quân đầu người là 36.318 USD, sẽ tăng lên vị trí thứ 9. Nhưng các nước láng giềng của Mỹ lại có kết quả kém hơn. Chẳng hạn, Canada dự kiến ​​sẽ tụt 6 bậc, xuống vị trí 24, và Mexico là một trong những nước giảm nhiều nhất, dự kiến tụt 26 bậc xuống vị trí 77 vào năm 2025.

Nhìn chung, các nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe cho thấy sự tụt hậu trong 1/4 thế kỷ này, khi hiện họ cũng nằm trong số các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 trong năm nay.

Các quốc gia vùng Vịnh, trong số những nước giàu nhất thế giới vào đầu thế kỷ này, đã giảm dần vị thế do giá dầu giảm. Bahrain, Kuwait, Oman và Ả Rập Sauđi đều được dự đoán rơi khỏi top 20 toàn cầu vào năm 2025.

Những nước trong khu vực đã bị tàn phá bởi chiến tranh và bất ổn chính trị, điển hình như Libya, Syria và Yemen, không tránh khỏi việc chứng kiến ​​sự sụt giảm lớn. Tại Lebanon, tình hình thậm chí tồi tệ đến mức IMF dự kiến GDP nước này sẽ giảm 25% chỉ trong năm nay.

Tuy nhiên, nhìn chung ở châu Á, mức sống được cho sẽ gia tăng mạnh mẽ nhất. Ngoài sự bứt tốc của Trung Quốc, Singapore cũng được kỳ vọng với GDP bình quân đầu người - vốn đã vượt Mỹ vào năm 2006 - sẽ tiếp tục tăng lên mức 115.445 USD vào năm 2025.
Đáng chú ý, trong năm 2020 khủng hoảng toàn cầu vì đại dịch, IMF dự kiến ​​chỉ 4/50 nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận mức tăng GDP bình quân đầu người, bao gồm Việt Nam, Đài Loan, Ai Cập và Trung Quốc.