Kinh tế Trung Quốc tăng chậm nhất trong 40 năm, chứng khoán châu Á lao dốc

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu giao dịch ảm đạm trong phiên ngày 17/1 khi số liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

Hầu hết thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm trong phiên ngày 17/1. Ảnh: Reuters
Hầu hết thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm trong phiên ngày 17/1. Ảnh: Reuters

Tại châu Âu, chỉ số Euro STOXX 600 mất 0,2% trong phiên ngày 17/1 và trượt khỏi mức cao nhất trong 9 tháng.

Cùng ngày, phần lớn các thị trường chứng khoán tại châu Á đều giảm điểm sau khi số liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc năm 2022 tăng trưởng chậm nhất trong bốn thập kỷ.

Chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản, sụt 0,4% khi khép phiên ngày 17/1. Chỉ số HIS tại sàn Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 0,8%.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đều giảm điểm sau báo cáo kinh tế mới nhất của nước này. Chỉ số Hang Seng tại sàn Hồng Kông mất 0,8%. Tương tự, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,1%, xuống còn 3.224,24 điểm.

Chỉ số Kospi tại thị trường Hàn Quốc mất 0,85%, đóng cửa ở mức 2.379,39 điểm, còn chỉ số Kosdaq giảm 1% xuống còn 709,71 điểm. Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,03%, đóng cửa ở mức 7.386,3 điểm.

Các thị trường Singapore và Manila cũng nằm trong vùng giảm điểm.
Ở chiều ngược lại, chứng khoán Nhật Bản kết thúc phiên 17/1 trong sắc xanh. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo phiên này tăng 1,23%,  lên 26.138,68 điểm.

Theo số liệu công bố ngày 17/1 của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, kinh tế nước này tăng trưởng 3% trong năm 2022, một trong những mức thấp nhất trong 40 năm do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn cao hơn mức dự báo 2,7% và kết quả quý IV/2022 cũng vượt ước tính, trong khi kết quả khả quan về doanh số bán lẻ giúp nâng đỡ tinh thần của thị trường.

Trong những phiên giao dịch đầu năm nay, chứng khoán toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ nhờ kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của nước này, cùng với dấu hiệu lạm phát tại Mỹ và châu Âu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cổ phiếu trong phiên giao dịch hôm nay tỏ ra thận trọng hơn về lực đẩy đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.

Ông Gaël Combes, chuyên gia trưởng về đầu tư tại Unigestion nhận định với Reuters: "Điều gì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các ngân hàng trung ương cố gắng ngăn chặn suy thoái do lạm phát và lãi suất đều tăng vọt? Trung Quốc dường như khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như trong quá khứ”.

Bên cạnh đó, giới giao dịch cũng đang chờ đợi quyết định chính sách quan trọng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến được công bố vào ngày 18/1. Tháng trước, ngân hàng này đã gây bất ngờ cho thị trường khi thông báo điều chỉnh chính sách tiền tệ cực lỏng, khiến đồng yen tăng vọt.
BoJ đã kiểm soát chặt chẽ lợi suất trái phiếu trong nhiều năm qua nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song họ chịu áp lực trong những tháng gần đây khi các quốc gia tăng lãi suất để chống lạm phát, từ đó đẩy đồng yen xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Hiện đang có nhiều đồn đoán rằng BoJ sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách hoặc có thay đổi gì đó.

Ngoài ra, thị trường cũng sẽ tập trung vào các bài phát biểu của giới chức tài chính hàng đầu tại hội nghị Davos hàng năm ở Thụy Sĩ trong tuần này.