Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm từ hệ quả một loạt khủng hoảng

Quỳnh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Covid-19, bất ổn trong ngành bất động sản, và nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng được cho là các nguyên nhân khiến tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 3 không đạt mức như dự kiến.

Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức mục tiêu 5% và giảm mạnh ba điểm phần trăm so với mức tăng 7,9% trong quý trước.

Nhà chức trách Trung Quốc đang thắt chặt các chính sách liên quan đến thị trường bất động sản sau vụ việc liên quan đến Tập đoàn Evergrande. Ảnh: Reuters

Ông Fu Linghui, phát ngôn viên của NBS cho biết nguyên nhân: “Chúng ta phải lưu ý rằng những bất ổn về môi trường quốc tế hiện nay đang gia tăng, trong khi sự phục hồi kinh tế vẫn chưa ổn định và không đồng đều”.

Người đứng đầu bộ phận kinh tế Châu Á của Oxford Economics, ông Louis Kujis thì cho rằng tăng trưởng bị kéo xuống là do lĩnh vực bất động sản chậm lại, với chất “xúc tác” đến từ tình trạng tài chính bất ổn của ông lớn Evergrande.

Theo đó, việc Evergrande đang đứng trước sức ép của khoản nợ trị giá hơn 300 tỷ USD đã đè nặng lên tâm lý của những người mua tiềm năng.

Kujis nói thêm rằng sự tăng trưởng chậm còn từ tình trạng thiếu điện và cắt giảm sản lượng do chính quyền địa phương thực hiện nghiêm ngặt các mục tiêu về khí hậu.

“Thiệt hại có thể nhìn thấy khi sản lượng sản xuất công nghiệp đang chậm lại”, ông nói.

Việc phân bổ nguồn điện trong những tuần gần đây cùng với chi phí nguyên liệu thô tăng cao và sự thúc đẩy về khí hậu của chính phủ đã khiến những hoạt động khai thác và sản xuất giảm.

Tuy nhiên, một điểm sáng là doanh số bán lẻ đã tăng lên 4,4%, cải thiện từ 2,5% trong tháng 8, với việc Trung Quốc nới lỏng áp đặt các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng thông qua chi tiêu của người dân, và giảm dần tỉ trọng từ đầu tư và xuất khẩu.

Tuy nhiên, đây sẽ là bài toán khó khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần đảm bảo sự cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào đang tốc độ nhanh nhất trong 25 năm trở lại đây.

Các nhà phân tích cho biết, bất chấp nhu cầu nước ngoài vẫn tăng mạnh, các yếu tố như thời tiết khắc nghiệt, sự bùng phát của dịch bệnh, cùng với tình trạng thiếu năng lượng và thị trường nhà ở đang hạ nhiệt, tất cả đều đè nặng lên nên kinh tế Trung Quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần