Kịp thời, quyết liệt sẽ cho hiệu quả

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu trường công lập ở một số địa bàn đông dân cư, áp lực trong tuyển sinh đầu cấp do dân số cơ học tăng quá nhanh so với khả năng đáp ứng của trường lớp luôn là những vấn đề nóng tại TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đi kiểm tra thực tế tại ô đất tại khu chức năng đô thị Ao Sào (phường Thịnh Liệt) chiều 11/7. Ảnh: Thủy Tiên
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đi kiểm tra thực tế tại ô đất tại khu chức năng đô thị Ao Sào (phường Thịnh Liệt) chiều 11/7. Ảnh: Thủy Tiên

Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó, ngày 11/7, khi kiểm tra thực tế tại quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh một lần nữa nhấn mạnh việc rà soát quỹ đất, chỗ nào trống, chậm triển khai thì thu hồi để xây trường học.

Việc đi kiểm tra thực tế, đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, đã cho thấy sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo TP trước thực trạng vấn đề trường học trong nội đô đang rất nóng mỗi mùa tuyển sinh, đặc biệt tại một địa bàn hay được truyền thông “điểm tên” về sự đông đúc, thiếu chỗ học tại trường công lập như quận Hoàng Mai.

Có thể nói, TP Hà Nội là địa phương hằng năm đầu tư rất lớn cho giáo dục đào tạo, trong đó có phát triển trường lớp. Song song với đầu tư xây dựng trường mới, TP cũng liên tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa các trường lớp hiện có; đầu tư nguồn nhân lực… Hằng năm, các quận, huyện trên địa bàn đều có thêm trường công lập mới đi vào hoạt động.

TP cũng đã ban hành một nghị quyết riêng và thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo của TP Hà Nội với nguồn lực lớn. Đồng thời lãnh đạo TP cũng liên tục có những chỉ đạo, kiểm tra thực tế, đốc thúc việc triển khai các giải pháp để tháo gỡ vấn đề thiếu trường tại một số địa bàn.

Nhưng khi dân số cơ học tăng, dẫn đến số học sinh tăng nhanh, cơ sở vật chất của một số trường không thể đáp ứng kịp. Cộng với đó là tình trạng thiếu quỹ đất để có thể mở rộng trường học công lập khiến mỗi mùa đầu năm học, vấn đề trường lớp, chỗ học trong trường công luôn bức bối.

Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư các dự án đô thị mới không tập trung đầu tư hạ tầng xã hội, bao gồm trường học… vẫn là thực tế, càng gây áp lực lên hệ thống trường công trong khu vực.

Như nhiều ý kiến đã chỉ ra, để đầu tư cho giáo dục, cùng với kinh phí, việc phải có quỹ đất để đầu tư xây dựng trường học là điều không đơn giản ở đô thị lớn như TP Hà Nội. Do đó, vừa qua, TP đã quyết định thu hồi một loạt khu đất để làm trường học ở các khu đô thị để tập trung đầu tư theo phương thức đầu tư công hoặc kêu gọi xã hội hóa.

TP yêu cầu các dự án xây dựng về nhà ở cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội, trường học trước khi cho người dân vào ở. Cùng với đó, tiếp tục rà soát tổng thể các quỹ đất ở khu đô thị, chỗ nào còn trống, đất chậm triển khai thì nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học…

Đây là những giải pháp đang nhận được sự đồng tình rất lớn của người dân. Và trong các cuộc kiểm tra của lãnh đạo TP, những yêu cầu, công việc, trách nhiệm cụ thể đã được chỉ rõ, những khu đất cần thu hồi cũng được điểm tên rất rõ ràng.

Trở lại cuộc kiểm tra thực tiễn kịp thời của người đứng đầu chính quyền TP tại quận Hoàng Mai vừa qua, chắc chắn sau những chỉ đạo cụ thể, vướng mắc được tháo gỡ, đây là cơ sở để các đơn vị phải nhanh chóng vào cuộc, tạo ra hiệu quả trong thực tiễn.

Tuy nhiên, để có thêm chỗ học cho học sinh tại trường công, không đơn giản chỉ là xây dựng thêm trường mới, còn cần việc quan tâm bố trí đủ giáo viên. Những bài toán này rất cần giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn không chỉ của chính quyền TP, mà các cấp, ngành cùng giải quyết để trường lớp giảm nhiệt mỗi mùa tuyển sinh.