TS Nicholas Chapman, Đại học Quốc tế Nhật Bản nhận định, việc các nước thành viên đạt được đồng thuận về CPTPP là bước đột phá đối với các quốc gia thành viên nói riêng và cộng đồng ủng hộ tự do hóa thương mại nói chung. “Đây thành tựu mang tính đột phá”, TS Chapman cho hay.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Motegi trong buối họp báo công bố đổi tên hiệp định TPP thành CPTPP tại Đà Nẵng năm 2017. |
Trả lời Kinh tế&Đô thị, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng đề cao sự nỗ lực của 11 quốc gia thành viên trong việc "hồi sinh" Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là CPTPP, sau khi Mỹ rút lui. Quá trình đàm phán có nhiều thách thức, tác động với mỗi nước là khác nhau nhưng 11 thành viên đều nỗ lực đàm phán lại giữ tinh thần chất lượng cao của hiệp định này. Ngoài ra, theo dự kiến ban đầu, sẽ có khoảng 40 - 50 điều khoản tạm hoãn nhưng nay rút xuống chỉ còn 20 điều, cho thấy tinh thần tích cực của tất cả 11 nước và khẳng định, tinh thần hội nhập liên kết khu vực, tự do thương mại vẫn là chủ đạo, ông Võ Trí Thành nhận định.
Về tác động đối với Việt Nam sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới rút lui, đại diện Bộ Công thương khẳng định, CPTPP kế thừa tất cả nội dung của hiệp định TPP trước đây, do vậy, các lợi ích của TPP trước đây đối với Việt Nam vẫn còn. “Tuy nhiên, khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP thì cân bằng chung của Hiệp định có thay đổi với tất cả các nước, đặc biệt là về cam kết mở cửa thị trường”, Bộ Công thương cho biết. Dù vậy, theo Bộ Công thương, các thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam, như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico... Về 20 nhóm nghĩa vụ “treo”, Bộ Công thương cho biết, thay đổi này dựa trên cơ sở có cân nhắc tới việc thay đổi cân bằng chung của hiệp định khi không còn Mỹ, chủ yếu là các nghĩa vụ cao được Mỹ đề xuất trước đây. “Do vậy, CPTPP mới sẽ phù hợp hơn với năng lực thực thi của các nước, đặc biệt trong bối cảnh các lợi ích thu được từ việc Mỹ mở cửa thị trường không còn nữa”, đại diện Bộ Công thương nói.
11 nước thành viên CPTPP sau khi Mỹ rút lui. |
Nhấn mạnh CPTPP có quy mô kinh tế không lớn như TPP trước đây nhưng trong bối cảnh quốc tế hiện nay Bộ Công thương cho rằng đây vẫn được coi là nền tảng quan trọng để định hình các mối quan hệ mới trong khu vực và đem lại các lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp các nước trong khi gánh nặng thực thi lại được được giảm đi đáng kể. “CPTPP cũng là tiền để để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực, trong đó bao gồm cả khả năng Mỹ quay trở lại tham gia. Do vậy, lợi ích trong tương lai có thể tăng lên hơn nữa”, theo Bộ Công thương. “Có thể nói quá trình đàm phán đến nay đã kết thúc. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và các nước thành viên đang xem xét để đi đến ký kết vào ngày 8/3/2018 tới đây”, đại diện Bộ Công thương nói.
Trong khi đó, bà Virginia Foote, thành viên Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt rất kỳ vọng CPTPP sẽ tiếp tục tiến triển. "Cần lưu ý rằng, thiết kế của TPP là một thỏa thuận mở mà các quốc gia đều có thể tham gia, không chỉ với Mỹ mà với cả nhiều quốc gia châu Á khác. Vì thế, khi TPP 11 khởi đầu, sau đó sẽ là TPP 12, TPP 13 hay thậm chí là TPP 14", bà nói. Hiện tại, không chỉ với Mỹ mà còn với nhiều quốc gia khu vực khác như Thái Lan, Hàn Quốc cũng đang tỏ ý quan tâm.
Với Việt Nam, quan hệ thương mại Việt Nam và Mỹ đang ngày càng lớn mạnh trong thời gian gần đây. Rất nhiều công ty Mỹ đang ở đây và họ sẽ không đi đâu cả. Việt Nam cũng có đối tác thương mại là EU và nhiều quốc gia châu Á khác. CPTPP hay trước đó là TPP 11 có Nhật Bản, Canada, Peru... và có lợi cho Việt Nam ngay cả khi không có Mỹ, bà Foote khẳng định.