Nhưng như nhiều chuyên gia tâm lý nhận định: Kỹ năng sống thực sự không phải là những gì quá cao siêu, phức tạp. Việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em bao gồm những nội dung hết sức đơn giản, gần gũi, là những kiến thức tối thiểu để trẻ có thể tự lập, đối diện với các bất trắc trong cuộc sống. Chính vì thế, khi tham gia các khóa học, trẻ được dạy những từ những điều cơ bản nhất như kỹ năng giới thiệu bản thân và thuyết trình trước đám đông, kỹ năng tư duy hiệu quả, kỹ năng khám phá, đến những kỹ năng cao hơn như thay đổi bản thân, đối diện với khó khăn, thất bại của cuộc sống, đến những bài học cần có để làm người... Mục đích cuối cùng là giúp các em tự tin hơn, tự lập hơn trong cuộc sống.
Thực tế cho thấy, sau một thời gian theo học các lớp kỹ năng sống, khả năng trưởng thành của trẻ tiến triển nhanh hơn. Nhiều em vốn nhút nhát không còn cảm thấy run khi đứng trước đám đông. Chính những thành quả ấy mà nhiều phụ huynh ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề này, đây chính là dấu hiệu đáng mừng.
Dù không phủ nhận những điểm tích cực của các khóa huấn luyện, nhưng đây cũng không phải là môn học, cứ thuộc lòng là giỏi. Kỹ năng sống của mỗi người được hình thành qua quá trình rèn luyện, phấn đấu. Nên bố mẹ phải lưu ý rằng không phải “quẳng” con vào một lớp học kỹ năng là trẻ sẽ được học đầy đủ các kỹ năng đó trong cuộc sống. Học xong, trẻ không được thực hành trong những môi trường phù hợp, việc học đó cũng dễ thành uổng phí, không mang lại hiệu quả gì.
Vì thế, đừng đứng ngoài cuộc, bố mẹ nên tham gia cùng con vào quá trình hình thành những kỹ năng sống ấy không chỉ bằng sự chỉ bảo từ kinh nghiệm của bản thân, sự đầu tư về thời gian, mà điều quan trọng là tạo điều kiện cho trẻ thực hành, bởi gia đình chính là môi trường lý tưởng nhất để trẻ thực thi những kỹ năng chúng được học.
Ví như khi trẻ tìm đến người lớn để chia sẻ những chuyện diễn ra ở trường, ở lớp, những khúc mắc nảy sinh trong mối quan hệ bạn bè, hay những rung động đầu đời…, người lớn đừng vội gạt đi hoặc hiểu câu chuyện theo chiều hướng xấu, mà cần hướng dẫn để phát huy cái mặt tốt đẹp và cung cấp những thông tin để con có kiến thức đề phòng mặt tiêu cực.
Nói khác đi, phải làm “người thầy” hướng dẫn con đi đúng đường trong các tình huống cuộc sống. Và một cách được các chuyên gia chỉ ra là bố mẹ nên dành 70% thời gian nói về mặt tích cực để giúp con tiếp thu những năng lực tích cực trong học tập rèn luyện. 30% còn lại dành để nói về mặt tiêu cực, nói để con tránh đến những chỗ có thể vượt qua ranh giới, cung cấp những thông tin để con biết mà tránh, khi đó những kỹ năng sống đã học mới thực sự phát huy hiệu quả.