Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ nguyên của hình thức tác chiến phá hoại mới

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các vụ nổ thiết bị liên lạc cầm tay ở Lebanon cho thấy tác chiến phá hoại giờ đây đã đi sâu vào chuỗi cung ứng, đến mức ngay cả những thiết bị thông thường cũng có thể trở thành mối nguy hiểm.

Cách đây 15 năm, khi bắt tay thực hiện cuộc tấn công mạng mang vào các nhà máy làm giàu hạt nhân của Iran, giới chức Israel và Mỹ hoạt đều cân nhắc sao cho tác động của vụ tấn công được kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro cho dân thường.

Nhưng giờ đây, vụ phát nổ của hàng nghìn máy nhắn tin, bộ đàm và các thiết bị không dây khác do lực lượng Hezbollah sử dụng, mà Israel bị cáo buộc đứng sau, đã đưa hình thức tác chiến phá hoại lên một tầm cao mới, đáng sợ hơn.

Đó là khi các thiết bị liên lạc thông thường bị biến thành những quả bom hẹn giờ được gài ngay trong túi quần, trên thắt lưng hay trong nhà bếp. Nạn nhân không chỉ là các thành viên Hezbollah mà còn là bất kỳ ai xung quanh, bao gồm cả trẻ em.

Các thiết bị liên lạc thông thường có nguy cơ bị biến thành những quả bom hẹn giờ? Ảnh: New York Times
Các thiết bị liên lạc thông thường có nguy cơ bị biến thành những quả bom hẹn giờ? Ảnh: New York Times

Tất nhiên, hình thức này không có gì mới mẻ, khi từng được áp dụng bởi các nhóm khủng bố và cơ quan gián điệp trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, khác biệt nằm ở chỗ đây là lần đầu tiên nó được thực hiện ở quy mô lớn, trên nhiều thiết bị trong cùng một lúc. Điều này đòi hỏi một kế hoạch vô cùng tinh vi, bài bản, đi sâu vào chuỗi cung ứng và hệ thống máy chủ.

"Đây có thể là cái nhìn đầu tiên và đáng quan ngại về một thế giới mà không một thiết bị điện tử nào, từ điện thoại di động đến bộ tản nhiệt, có thể hoàn toàn đáng tin cậy", Glenn Gerstell, nguyên cố vấn trưởng của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết với báo New York Times. "Liệu các thiết bị cá nhân và đồ gia dụng khác có phải là mục tiêu tiếp theo hay không?".

Cách thức nhiều ẩn số

Giống như các hành vi giám sát toàn diện khiến mọi người đặt nghi vấn về việc ai có thể truy cập cuộc gọi, tin nhắn, tài khoản ngân hàng hay các thông tin có tính riêng tư khác, thì phương thức tác chiến phá hoại trên khiến mọi người lo sợ rằng đến cả các thiết bị thông thường có thể trở thành vũ khí sát thương.

Nó cũng gây tâm lý hoang mang về sự khơi mào cho một cuộc tấn công quy mô lớn hơn. Trước thời điểm các vụ nổ thiết bị liên lạc xảy ra trên khắp Lebanon, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant từng cảnh báo một "giai đoạn" quân sự mới sẽ bắt đầu ở biên giới hai nước.

Điều này đủ để gây lo sợ cho phía Hezbollah khi đã mất đi lợi thế về thiết bị liên lạc không dây của họ, vốn là đồ cũ, công nghệ thấp và không dùng sóng di động để khó bị tin tặc tấn công và kiểm soát.

Có nhiều giả thuyết về cách chất nổ được cài trong các thiết bị trên. Trong đó, giả thuyết được xem là tin cậy nhất cho rằng chúng được cài sẵn ngay trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết khẳng định các thiết bị liên lạc được gắn kèm chất nổ ở giai đoạn sau khi sản xuất và trước khi được phân phối cho phía Hezbollah.

Tang lễ những nạn nhân vụ nổ thiết bị liên lạc cầm tay ở Beirut, Lebanon. Ảnh: New York Times
Tang lễ những nạn nhân vụ nổ thiết bị liên lạc cầm tay ở Beirut, Lebanon. Ảnh: New York Times

Bên cạnh đó, phương thức kích nổ các máy nhắn tin cùng một lúc cũng được đặt dấu hỏi. Nó có thể được tiến hành chỉ bằng một tin nhắn gửi đồng thời đến hàng loạt máy nhắn tin bị gài chất nổ, hoặc bằng cách khai thác lỗ hổng trong các câu lệnh vận hành để làm quá nóng pin và kích nổ thiết bị.

Các hoạt động mạng hoặc chặn tín hiệu cũng được cho là góp phần xâm nhập và điều khiển các thiết bị liên lạc của Hezbollah. "Internet có thể cung cấp thông tin tình báo về số lượng, vị trí các thiết bị liên lạc trong chuỗi cung ứng tại những thời điểm cụ thể", chuyên gia mạng Jason Healey từ Đại học Columbia (Mỹ) nhận định. "Một số tín hiệu mạng có vai trò kích nổ trực tiếp, hoặc gián tiếp bằng viéc làm pin thiết bị nóng quá mức".

Có mang tính cách mạng? 

Việc xâm nhập chuỗi cung ứng để tiến hành các hoạt động phá hoại vốn không phải điều mới mẻ. Hơn một thập kỷ trước, Mỹ từng dùng cách này để chặn các nguồn cung cấp điện cho các máy ly tâm hạt nhân của Iran, hay các máy phát điện cỡ lớn sản xuất từ Trung Quốc mà giới chức tin rằng có gắn công tắc để điều khiển từ xa.

Các phương thức tác chiến như vậy được cho là mang lại lợi thế về chiến thuật nhưng ít gây tác động về mặt chiến lược. Ngay cả các cuộc tấn công mạng của Mỹ và Israel vào máy ly tâm ở Iran cũng chỉ khiến chương trình hạt nhân của nước này chậm lại từ 1 đến 1 năm rưỡi, thậm chí tạo cơ hội để Tehran xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở sâu hơn dưới mặt đất.

Tuy nhiên, các vụ nổ tấn công mới đây xảy ra trên thiết bị cầm tay chứ không phải cơ sở hạ tầng lớn. Cho nên, chúng có thể báo hiệu kỷ nguyên của những hình thức tác chiến phá hoại mới, tinh gọn hơn.

“Chắc chắn, việc biến các thiết bị điện tử thành vũ khí gây cháy nổ sẽ gây bất ngờ hơn đối với phe phòng thủ ở giai đoạn đầu của một cuộc xung đột vũ trang”, ông Jason Healey nói.

Nhưng vị chuyên gia này cũng cho rằng, còn quá sớm để hình thức này được phổ biến một cách rộng rãi, trong bối cảnh việc phá hủy vật lý các cơ sở hạ tầng lớn vẫn còn chứng minh tính hiệu quả.