Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 2024 là năm hội tụ nhiều yếu tố để khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới như sự hỗ trợ của kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và cả yếu tố nội tại của thị trường, do đó tiềm ẩn đà bùng nổ rất lớn. Đó là nhận định của Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh.
Thưa ông, TTCK những tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực. Ông có đánh giá thế nào về những tín hiệu này và đâu là động lực chính dẫn dắt thị trường đi lên?
- Có thể thấy, 3 tháng đầu năm 2024, TTCK tăng trưởng tốt không chỉ ở chỉ số VNIndex mà còn ở tính thanh khoản của thị trường. Nếu chỉ tính riêng trong tháng 3, mức độ thanh khoản trung bình đạt 1 tỷ USD. Điều đó cho thấy mức thanh khoản của TTCK Việt Nam tương đối tốt, nhà đầu tư tích cực quay trở lại thị trường.
Các yếu tố hỗ trợ đà tăng đến từ xu hướng thắt chặt tiền tệ của Fed và từ đà hồi phục kinh tế chung trên thế giới, lạc quan hơn so với năm 2023. Năm 2024 được cho là giai đoạn cuối chu kỳ thắt chặt tiền tệ, do đó Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không còn tăng lãi suất nóng như năm 2022 - 2023. Có khả năng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm 2024, tuy nhiên thời điểm nào sẽ còn phụ thuộc vào đà hạ nhiệt của lạm phát.
Đối với trong nước, môi trường lãi suất thấp chính là động lực đi lên của thị trường. Với mức lãi suất huy động thấp khiến nhà đầu tư không mặn mà gửi tiết kiệm. Ở chiều ngược lại, lãi suất cho vay thấp cũng là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng nguồn lực đầu tư vào chứng khoán. Ngoài ra, điểm sáng vĩ mô đến từ làn sóng dịch chuyển FDI, đây là làn sóng dịch chuyển mới, kỳ vọng là một chu kỳ tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam. Động lực cuối cùng đến từ việc rủi ro năm 2023 đã đi qua cơn bĩ cực, quay trở lại giai đoạn ổn định, bắt đầu hồi phục...
Về động lực nội tại của TTCK, bản chất của thị trường có hai câu chuyện, dự kiến hệ thống KRX được đưa vào “go live” trong năm 2024. Từ đó có thể triển khai được thêm những sản phẩm tài chính thích hợp trên thị trường trong nước. Câu chuyện thứ hai đó là, kỳ vọng nâng hạng thị trường, đến tháng 9/2024.
Vậy, TTCK 2024 đang đón nhận những cơ hội và thách thức gì? Kịch bản nào cho thị trường năm 2024, thưa ông?
- Cơ hội của thị trường trong năm 2024 sẽ rõ và sáng hơn so với năm 2023. Theo dự báo mức tăng trưởng của DN sẽ quay trở lại con số khả quan dự phòng đâu đó khoảng 28% so với năm 2023.
Định giá thị trường cũng đang khá thấp P/E nếu nhìn vào lợi suất của TTCK 2024 có thể sẽ cao hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác như tiết kiệm, trái phiếu, bất động sản, do đó cổ phiếu là thị trường sẽ hút được dòng tiền.
Hầu hết các nhóm ngành đềusẽcósựphụchồitừnền thấp trong năm 2023. Điểm sáng nhất sẽ tập trung ở các ngành hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế như thép và bán lẻ. Ngoài ra, việc triển khai nhanh chóng hệ thống KRX và kỳ vọng nâng hạng thị trường và môi trường lãi suất thấp sẽ tạo sự sôi động cho nhóm chứng khoán.
Còn về rủi ro và thách thức, đó có thể sẽ là những căng thẳng về địa chính trị, hoặc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, cơ hội cho các nhà đầu tư sẽ nhiều hơn rủi ro.
Tổng hòa các yếu tố tích cực như chính sách tiền tệ thế giới chuẩn bị nới lỏng, chính sách tiền tệ Việt Nam duy trì với lãi suất thấp nhất trong lịch sử, TTCK năm 2024 tiềm ẩn đà bùng nổ rất lớn. Xu hướng đi lên của thị trường là chủ đạo, không thể đi thẳng đứng được, nhưng có những đợt biến động điều chỉnh ngắn hạn. Kịch bản cơ sở thị trường hướng về mức 1.400 điểm. Đối với kịch bản tích cực nhất thì VNindex có thể quay về đỉnh cũ là 1.500 điểm. Đây sẽ là tiền đề để quý I/2025 thị trường vượt đỉnh cũ.
So sánh với các kênh đầu tư khác như đầu tư vàng, tiền gửi tiết kiệm, bất động sản..., chứng khoán có đang hấp dẫn hơn ở thời điểm hiện tại? Và chiến lược đầu tư nào phù hợp, nhóm cổ phiếu nào sẽ là tâm điểm của năm 2024?
- Với nhà đầu tư có thể chấp nhận được mức độ rủi ro cao thì chứng khoán là kênh đầu tư có thể mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn hơn so với kênh tiền gửi đang ở mức rất thấp, hay vàng là kênh trú ẩn trong giai đoạn kinh tế và địa chính trị bất ổn. Định giá thị trường cũng đang khá thấp P/E nếu nhìn vào lợi suất của TTCK 2024 có thể sẽ cao hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác như tiết kiệm, trái phiếu, bất động sản, do đó cổ phiếu là thị trường sẽ hút được dòng tiền.
Với kịch bản thị trường đưa ra, năm 2024, sóng của TTCK sẽ tăng bền, chu kỳ đi lên bền. Do đó, chiến lược chung cho các nhà đầu tư là mua và nắm giữ. Đối với ngắn hạn còn tùy vào thời điểm, đó là thời điểm thị trường rơi vào vùng trũng thông tin. Ví dụ vào thời điểm giữa năm, nhất là sau quý II sau một giai đoạn tăng trưởng của thị trường rồi thì sẽ có giai đoạn trầm lắng lại. Chiến lược xuyên suốt năm nay là chọn cổ phiếu vốn hóa lớn đang bị định giá thấp và không nên trading quá nhiều. Bởi trong một thị trường uptrend, việc giao dịch quá sẽ khiến nhà đầu tư mất cơ hội với những cổ phiếu tốt, thay vào đó nhà đầu tư mua và nắm giữ cho cả năm 2024.
Về cơ hội đầu tư với nhóm có định giá hấp dẫn, nhà đầu tư nên ưu tiên là dòng ngân hàng và bất động sản. Nhóm thứ 2 là nhóm đầu vào, như hóa chất và vận tải. Tiếp theo là nhóm ngành trong lĩnh vực sản xuất đó là thực phẩm. Cuối cùng là ngành bán lẻ. Về dài hạn, có thêm nhóm cổ phiếu là dịch vụ dầu khí, nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Vậy để phát triển bền vững, nâng hạng TTCK theo đúng mục tiêu đề ra, cần có giải pháp gì, thưa ông?
- Hiện tại, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM). Kể từ tháng 9/2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ. Với nền tảng thực tế thị trường Việt Nam, hiện tại đã đáp ứng tương đối sát với các điều kiện cần của FTSE và thực tế đã nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của tổ chức này.
Một nút thắt quan trọng trong quá trình nâng hạng TTCK đó là gấp rút gỡ bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài ký quỹ trước. Việc cải thiện môi trường đầu tư tại TTCK là việc loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch (pre-fund- ing). Bên cạnh đó, các tiêu chí khác như giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và quy trình mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đang được xem xét để nâng cao tính minh bạch và thuận lợi cho nhà đầu tư, mặc dù những yếu tố này hiện không nằm trong các tiêu chí xếp hạng chính thức. Nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết để phù hợp với mục tiêu quản lý Nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề.
Nâng hạng thị trường sẽ tạo ra nhiều thách thức về cơ sở dữ liệu, đặt ra yêu cầu bảo đảm tính thông suốt khi mà số lượng nhà đầu tư gia tăng, đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt. Do đó, cần xây dựng và hình thành hạ tầng công nghệ hoàn chỉnh, bảo đảm an toàn, bảo mật, làm nền tảng cho việc triển khai các ứng dụng cốt lõi trong toàn ngành. Đầu tư vào cải thiện hạ tầng và quy trình giao dịch là một yếu tố quan trọng để tăng cường hiệu suất và tính linh hoạt của thị trường. Việc áp dụng công nghệ mới, cải thiện hệthống thanh toán và giao dịch sẽ giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
18:58 30/03/2024