Phố Wall tăng điểm trong phiên ngày 23/3, khi những người tham gia thị trường được trấn an từ cam kết của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen rằng các biện pháp sẽ được thực hiện để giữ an toàn tiền gửi của người Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 tăng 0,29%, còn Nasdaq Composite cộng 1% sau khi lần lượt leo dốc tới 1,8% và 2,5% vào đầu phiên. Tương tự, chỉ số Dow Jones có thời điểm trong phiên tăng tới 2,5% nhưng sau đó hạ nhiệt còn 1% khi đóng cửa phiên giao dịch.
Trong phiên ngày 23/3, nhóm cổ phiếu công nghệ phục hồi mạnh nhất khi nhà đầu tư giảm dự báo lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng thời lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng đi xuống. Theo đó, chỉ số SPDR Technology Select Sector tăng 1,63%, với các “ông lớn” như Microsoft, Nvidia và Apple đều đi lên.
Công nghệ là nhóm bị bán tháo mạnh nhất và giảm sâu nhất khi Fed nâng lãi suất 9 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Việc lợi suất hạ nhiệt trong tháng 3 này đang lôi kéo một số nhà đầu tư quay trở lại cổ phiếu công nghệ.
Trong khi đó, cổ phiếu các ngân hàng khu vực đồng loạt đi xuống, với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF (KRE) giảm 2,78%. Đã có lúc quỹ này mất tới 3,57% trong phiên, nhưng sau đó thu hẹp đà giảm sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tuyên bố chính phủ Mỹ sẵn sàng thực hiện “các hành động bổ sung nếu cần thiết” để ổn định hệ thống ngân hàng.
Trong bài phát biểu tại phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ ngày 23/3, Bộ trưởng Yellen cho biết Mỹ có thể áp dụng lại các động thái khẩn cấp liên bang đã dùng để hỗ trợ các khách hàng gửi tiền ở Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Các nhận định của bà Yellen trong ngày 23/3 dường như cho thấy sự thay đổi một phần nào đó. Điều này để ngỏ khả năng Bộ Tài chính Mỹ có thể động thái khẩn cấp trong tương lai để ngăn chặn lây lan và bảo vệ sự ổn định tài chính.
Bên cạnh đó, lực đẩy quan trọng nhất đối với các chỉ số chính trên sàn Phố Wall trong phiên này là nhờ kỳ vọng Fed có thể đang tiến gần đến việc chấm dứt chu kỳ nâng lãi suất.
Nhà quản lý quỹ Stephen Innes thuộc SPI Asset Management cho rằng nhà đầu tư đang đặt cược rằng dù Fed cam kết chống lạm phát, có khả năng “Fed đang quan ngại và có khả năng sớm đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ”. “Lịch sử hiện đại cho thấy mỗi khi Fed dừng tăng lãi suất, thị trường chứng khoán sẽ rất có lợi” - chuyên gia Innes nói với hãng tin Reuters.
Trước đó, kết thúc cuộc họp chính sách hôm 22/3, Fed đã nâng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp với bước nhảy khiêm tốn 0,25%, đúng như dự báo trước đó. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng phát tín hiệu rằng nhiều khả năng sẽ chỉ có thêm một đợt nâng lãi suất nữa vào tháng 5 tới khi thông cáo sau cuộc họp đã bỏ đi cụm từ “các đợt tăng lãi suất liên tiếp”.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 22/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói dù lạm phát vẫn là một vấn đề, những sức ép gần đây trong hệ thống ngân hàng có thể gây ra hiệu ứng quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, qua đó làm giảm sự cần thiết của tăng lãi suất.
Nhận định trên CNBC hôm 23/3, ông Gilbert Garcia, đối tác quản lý tại Garcia, Hamilton và Associates, cho rằng Fed dường như đã mắc một “sai lầm lớn” khi vẫn quyết định nâng lãi suất thêm 0,25% giữa lúc ngành ngân hàng đối mặt nhiều khó khăn.
Theo ông Garcia, chính sách nâng lãi suất của Fed là “quá nhanh và quá mạnh” khi tất cả các chỉ số quan trọng đều cho thấy nền kinh tế Mỹ đang có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Giới đầu tư đang tính đến hai khả năng, một là Fed dừng tăng lãi suất ngay từ tháng 5, hai là tăng thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5 rồi dừng.
Thị trường lãi suất tương lai ở Mỹ đang phản ánh khả năng 67% Fed dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 5. Khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,25% là 33%.