Ngoại trưởng Nga, Ukraine bắt đầu đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ
Chiều ngày 10/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã bắt đầu đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức ngoại giao hàng đầu của hai nước kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng tham dự cuộc gặp này.
Cuộc gặp diễn ra bên lề một diễn đàn ngoại giao tại tỉnh Antalya miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Nga Lavrov dự kiến sẽ có bài phát biểu về quan điểm của Nga đối với những vấn đề hiện nay tại diễn đàn này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đánh giá cuộc gặp có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Trước đó, hôm 7/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã thông báo về kế hoạch tổ chức cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga và Ukraine, đồng thời bày tỏ hy vọng sự kiện này sẽ trở thành “bước ngoặt và là một bước quan trọng hướng tới hòa bình và ổn định”. Ông Cavusoglu nói rằng cuộc gặp được dàn xếp sau “những nỗ lực ngoại giao tích cực” của Ankara.
Cuộc gặp giữa ông Lavrov và ông Kuleba tại Antalya diễn ra sau vòng đàm phán thứ ba giữa Nga và Ukraine ở Belarus với một số kết quả tích cực về hành lang nhân đạo.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó tuyên bố cuộc xung đột hiện nay ở nước này chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp giữa ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Trả lời phỏng vấn tờ Bild của Đức ngày 10/3, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông trong bất kỳ cuộc đối thoại nào là Nga chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp, đồng thời hy vọng các bên liên quan cũng có quan điểm tương tự.
Theo Tổng thống Ukraine, đối thoại là giải pháp duy nhất cho tình hình hiện nay, dù rằng hiện quá khó và còn quá sớm để nói về chi tiết. Đến nay, chưa có cuộc gặp trực tiếp nào giữa Tổng thống Zelensky và người đồng cấp Nga Putin.
Mỹ, Đức phản đối Ba Lan gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine
Cả Berlin và Washington đều cho rằng việc gửi máy bay chiến đấu MiG của Ba Lan tới Ukraine sẽ là một bước leo thang.
Báo Deutsche Welle (Đức) ngày 9/3 dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Berlin không ủng hộ đề xuất của Ba Lan về việc chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine thông qua Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở Đức.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin cùng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ông Scholz nêu rõ Đức đã gửi vũ khí phòng thủ và hỗ trợ tài chính "đáng kể" cũng như viện trợ nhân đạo cho Ukraine. "Ngoài điều đó, chúng tôi phải suy nghĩ rất kỹ về những gì chúng tôi sẽ làm và điều này chắc chắn không bao gồm máy bay chiến đấu", ông Scholz nói.
Ngày 8/3, Ba Lan đã tiết lộ kế hoạch chuyển 28 máy bay chiến đấu MiG-29 của họ, vốn rất quen thuộc với các phi công Ukraine, đến căn cứ không quân Mỹ ở Đức. Đổi lại, Mỹ sẽ cung cấp cho Ba Lan các máy bay phản lực do Mỹ sản xuất có "khả năng tương ứng", chẳng hạn như F-16 vốn đã là trụ cột của lực lượng không quân Ba Lan.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 9/3 đã bác bỏ kế hoạch của Ba Lan về việc cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine, đồng thời cho biết, theo đánh giá của cộng đồng tình báo, đây sẽ là một động thái “rủi ro cao”, làm gia tăng căng thẳng giữa Nga với NATO.
Giải thích về quyết định nói trên của Mỹ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng John Kirby nói rằng, việc chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 sẽ không tạo ra nhiều thay đổi cho Ukraine khi phải đối phó với sức mạnh quân sự của Nga. Theo ông Kirby, Mỹ có thể hỗ trợ cho Kiev những loại vũ khí khác.