Kỳ vọng sớm có vaccine Covid-19, giá dầu Brent nhảy vọt lên 45 USD/thùng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tăng mạnh trong phiên ngày 11/11nhờ kỳ vọng vào việc phát triển thành công vaccine Covid-19 và dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ sụt giảm.

Giá dầu Brent phục hồi lên mức 45 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, chứng kiến mức cao nhất trong hơn 2 tháng.
Cụ thể, giá dầu Brent cộng 1,41 USD, tương đương 3,2%, lên 45,02 USD/thùng, lần đầu tiên vượt ngưỡng 45 USD kể từ đầu tháng 9. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 1,41 USD, khoảng 3,4%, đạt mức 42,77 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng này đều tăng 8% vào ngày 9/11, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong hơn 5 tháng.
 Giá dầu tăng lên mức 45 USD/thùng trong phiên ngày 11/11
Nhà phân tích hàng hóa Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Tin tức tích cực về vaccine ngừa Covid-19 đã thúc đẩy giá dầu phục hồi mạnh trong phiên ngày thứ Hai và thứ Ba”.
Bên cạnh đó, giá “vàng đen” cũng được hỗ trợ nhờ dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,1 triệu thùng trong tuần trước xuống còn khoảng 482 triệu thùng. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với mức dự báo giảm 913.000 thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Cả dầu Brent và dầu WTI đều tăng khoảng 14% từ đầu tuần đến nay khi công ty dược phẩm BioNTech của Đức và hãng dược đối tác Pfizer của Mỹ công bố kết quả thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 cho thấy loại vcccine do hai công ty này hợp tác phát triển đã đạt hiệu quả 90%.
Giá dầu cũng được thúc đẩy sau khi Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi nói rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, có thể điều chỉnh thỏa thuận giảm sản lượng nếu nhu cầu vẫn suy giảm trước khi có vaccine.
OPEC+ đã đồng ý cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12/2020 và dự định giảm bớt mức cắt giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021.
Tuy nhiên, các lệnh phong tỏa mới ở châu Âu đang gây ra tác động tiêu cực đối với nhu cầu nhiên liệu, cũng như sự gia tăng sản lượng của Libya, đã kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Các nhà phân tích nhận định rằng triển vọng nhu cầu trong ngắn hạn vẫn còn yếu, đặc biệt khi một loạt quốc gia châu Âu thực hiện giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức tiêu thụ. Có thể sẽ phải mất một thời gian đáng kể để nhu cầu phục hồi do hoạt động đi lại quốc tế vẫn bị hạn chế.
Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan là những nước phong tỏa nghiêm ngặt nhất ở châu Âu, theo đánh giá của Oxford dựa trên các chỉ số đóng cửa trường học, nơi làm việc và các lệnh cấm đi lại.
Ngân hàng UBS cảnh báo rằng việc nhiều nước châu Âu tái áp đặt lệnh phong tỏa và sản lượng dầu của Libya phục hồi có thể ảnh hưởng đến giá dầu trong ngắn hạn. Dẫu vậy, ngân hàng này dự báo giá dầu sẽ tăng lên mức 60 USD/thùng vào cuối năm 2021 trong trường hợp các nhà sản xuất nhiên liệu chủ chốt sẽ tiếp tục hạn chế nguồn cung./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần