Trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ được công bố vào tháng 3,Tổng thống Biden đã nêu rõ tầm quan trọng của việc hợp tác với các quốc gia châu Á: "Chúng tôi sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và làm việc cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), để thúc đẩy các mục tiêu chung".Chuyến công du của Phó Tổng thống Harris, theo sau các cuộc làm việc liên tiếp của Ngoại trưởng và Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ tại khu vực trong 2 tháng qua, đang là minh chứng cho ưu tiên nói trên của Chính phủ Washington. Đặc biệt, với việc từng là Thượng nghị sĩ của bang California, bà Kamala Harris được tin là người hiểu rõ tầm quan trọng của các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ kinh tế, giữa Mỹ và châu Á.Một quan chức Nhà Trắng giấu tên, nói với AFP hồi đầu tháng này rằng Đông Nam Á “quan trọng cả về mặt chiến lược và kinh tế" đối với Mỹ trước sự thống trị của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.Rõ ràng, vị thế của Mỹ trong thương mại với châu Á đã bị suy yếu, đặc biệt là sau quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các quốc gia trong khu vực. Truyền thông quốc tế gần đây dẫn nguồn thạo tin cho biết, Nhà Trắng đang xem xét đề xuất một hiệp định thương mại kỹ thuật số mới với châu Á, báo hiệu quyết tâm làm sâu sắc thêm hội nhập thương mại khu vực sau nửa thập kỷ gián đoạn."Trái ngược với… các cuộc đàm phán của châu Âu, trong đó nhấn mạnh đến biên giới và sự công nhận chính trị, các cuộc đàm phán ở Ấn Độ - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ xoay quanh chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn, chế độ đầu tư và các thỏa thuận thương mại” - Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, từng nhấn mạnh nhu cầu về một chương trình nghị sự kinh tế tích cực hơn của Mỹ ở châu Á.Do đó, giới quan sát kỳ vọng trong chuyến thăm 2 nước Singapore và Việt Nam, Phó Tổng thống Harris có thể bắt đầu đưa ra một số cam kết cá nhân trong những cuộc gặp với các quan chức liên quan, tạo cơ hội cho các thỏa thuận ngành, cho thấy "sự trở lại của nước Mỹ" trong cuộc chơi kinh tế tại châu Á. Theo thông báo của Nhà Trắng, tại Singapore, bà Harris sẽ gặp mặt Tổng thống Halimah Yacob và Thủ tướng Lý Hiển Long, và tổ chức một cuộc họp để thảo luận về các vấn đề chuỗi cung ứng với các đại diện từ khu vực tư nhân và chính phủ.Trong khi đó, tại thủ đô Hà Nội (24 - 26/8), Phó Tổng thống Mỹ sẽ gặp gỡ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đặc biệt, bà Harris sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ khai trương một văn phòng khu vực của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, đang trở thành mặt trận cam go nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19 của toàn cầu, thúc đẩy những sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các quốc gia. Một quan chức Nhà Trắng cho biết, đại dịch và vaccine cũng sẽ là vấn đề được ưu tiên của bà Harris trong chuyến đi lần này. Tháng trước, Washington đã hỗ trợ 3 triệu liều vaccine Moderna đến Việt Nam, nâng tổng số vaccine Covid-19 đã viện trợ cho Việt Nam lên 5 triệu liều."Đó thực sự là một phần của chiến lược thống nhất tổng thể, cho thấy sự tham gia toàn diện của chúng tôi ở Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á" - Phil Gordon, cố vấn an ninh của Phó Tổng thống Mỹ Harris, nói.