Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lạm phát hạ nhiệt, Fed sẽ xoay trục chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất với bước nhảy khiêm tốn hơn trong cuộc họp chính sách tuần này sau khi đã có 4 đợt tăng mạnh liên tiếp trước đó.

Sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản

Theo khảo sát của Chicago Mercantile Exchange, xác suất Fed sẽ thực hiện đợt nâng lãi suất với mức 0,5% trong cuộc họp chính sách tháng 12 là  80%.

Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% khi kết thúc cuộc họp chính sách trong tuần này. Ảnh: AP
Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% khi kết thúc cuộc họp chính sách trong tuần này. Ảnh: AP

Các nhà phân tích dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ đang cố gắng hạ nhiệt nhu cầu trong nước để giảm giá tiêu dùng. Các hộ gia đình ở nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện phải vật lộn với tình trạng giá cả tăng chóng mặt, chủ yếu xuất phát từ giá lương thực và năng lượng tăng mạnh sau cuộc xung đột Nga - Ukraine. Để kiềm chế lạm phát, Fed đã tăng lãi suất 6 lần trong năm nay, bao gồm 4 lần tăng 0,75 điểm phần trăm, nâng lên mức 3,75% đến 4%.

Theo AFP, chuyên gia Oren Klachkin của Oxford Economics cho rằng trong giai đoạn hiện nay, Fed sẵn sàng tăng lãi suất thêm 0,5% trong tháng này, khi lạm phát có dấu hiệu giảm bớt.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế nhận định, Fed sẽ phải thận trọng với dữ liệu lạm phát. Phát biểu trên đài CNN, ông Kathy Jones - chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định của Trung tâm nghiên cứu tài chính Schwab, lưu ý: “Lạm phát có thể đã đạt đỉnh, song có thể không giảm nhanh như kỳ vọng”.

Trên thực tế, mặc dù Fed đã liên tục có các đợt tăng lãi suất mạnh tay trong thời gian gần đây, lạm phát tiêu dùng vẫn ở mức 7,7% trong tháng 10, còn tỷ lệ việc làm trong tháng 11 vẫn tăng mạnh. Những nhân tố này khiến thị trường lo ngại rằng Fed sẽ kéo dài chiến dịch tăng lãi suất.

Dự kiến, Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) sẽ ra quyết định về lãi suất tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 13 - 14/12. Các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi sát sao tốc độ tăng lương vì lo ngại lương cao hơn sẽ tăng thêm áp lực lạm phát.

Theo chuyên gia Martin Wurm của Moody's Analytics, mối lo ngại của Fed hiện nay là tăng trưởng tiền lương.

Liệu có xảy ra suy thoái?

Trong một phát biểu gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo có thể phải duy trì chặt chẽ chính sách tiền tệ "trong một thời gian", ngay cả khi thời điểm để giảm tốc độ tăng lãi suất có thể đến ngay trong tháng 12 này.

Các chuyên gia kinh tế dự đoán 50% suy thoái sẽ xảy ra trong năm tới. Trong khi đó, chuyên gia Martin Wurm cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed có thể khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại trong năm 2023.

Đã có những dấu hiệu rõ ràng rằng nền kinh tế đang chậm lại, đặc biệt là thị trường nhà ở, thường là thị trường đầu tiên phản ứng với các điều kiện tài chính thắt chặt và là tâm điểm của cuộc suy thoái 2007-2008. Doanh số bán nhà hiện tại đã giảm 9 tháng liên tiếp.

“Tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ một cách quyết liệt của Fed dường như chỉ mới bắt đầu. Do đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ nên giảm bớt tốc độ tăng lãi suất để tránh đẩy nền kinh tế vào suy thoái” - chiến lược gia Kathy Jones nói với CNN hôm 11/12.

Trước đó, hồi tháng 9, Fed dự báo GDP trong năm 2023 sẽ tăng khoảng 1,2%, tỷ lệ thất nghiệp là 4,4% và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - một thước đo lạm phát ưa thích của Fed, là 2,8%.

Theo giới phân tích, nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng. Trong khi đó, Fed dự kiến sẽ không bắt đầu thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ trước năm 2024. Do đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới khó có thể tránh được suy thoái trong năm tới. Chuyên gia Keith Lerner, đồng giám đốc đầu tư của Truist Advisory Services, cảnh báo: “Xoay trục chính sách tiền tệ thắt chặt hoặc tạm dừng không phải là liều thuốc cho nền kinh tế Mỹ vào lúc này. Việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ trở nên quá muộn khi rủi ro suy thoái đang tăng cao”.