Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm sao biến cơ hội thành hiện thực?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc mở lại toàn bộ các cửa khẩu đường bộ sau thời gian dài phong tỏa chống dịch Covid-19. Đây là sự kiện được DN rất chờ đợi thời gian qua.

Việc nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu này mở cửa trở lại được đánh giá là sẽ tạo điều kiện cho nhiều ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam có cơ hội lớn.

Năm 2022, Trung Quốc là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 177,7 tỷ USD. Như vậy, xuất nhập khẩu của Trung Quốc chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Hiện, Việt Nam nhập khẩu hơn 30% nguyên vật liệu đầu vào sản xuất từ Trung Quốc chủ yếu máy móc, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản, dệt may và cao su sẽ là những nhóm ngành hưởng lợi lớn từ việc mở cửa này. Nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng sẽ bùng nổ trong khi nguồn nguyên liệu nội địa Trung Quốc khó đáp ứng kịp vì chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Vì vậy, Trung Quốc là điểm đến tiềm năng nhất của các DN xuất khẩu trong năm 2023.

Không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, Trung Quốc cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới. Vì vậy, thông tin mở cửa thị trường còn được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết các nút thắt về giá cung ứng nguyên vật liệu trong chuỗi sản xuất, nhất là linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may. Trong thời kỳ Trung Quốc đóng cửa, các DN đã gặp không ít khó khăn do thiếu nguyên, vật liệu, chi phí đầu vào tăng mạnh, hàng hóa tắc nghẽn.

Cùng với đó, việc giá cước vận tải hạ nhiệt hơn 50% so với hồi đầu năm 2022, hàng hóa lưu thông trở lại, thời gian nhập khẩu nguyên liệu không bị chậm trễ sẽ giúp cải thiện hoạt động sản xuất, thương mại của DN. Như vậy, các nút thắt về cung ứng nguyên vật liệu trong chuỗi sản xuất, nhất là linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may, điện tử ô tô được tháo gỡ.

Sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội, ngược lại cũng đặt DN trong chuỗi cung ứng của Việt Nam vào thách thức cạnh tranh mạnh hơn trong thời gian tới.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, máy tính, linh kiện, máy móc, phụ tùng là những nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Vì vậy, thách thức cũng sẽ là không nhỏ cho các DN trong chuỗi cung ứng của Việt Nam để hiện thực mục tiêu nội địa hóa 65 - 70% trong các năm tới. Ngoài ra còn là những thách thức khác khi Việt Nam đang phải nhập khẩu đầu vào quá nhiều.

Trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh trên thế giới, Việt Nam được nhận định là hưởng lợi khi chuỗi cung ứng toàn cầu có xu hướng dịch chuyển. Khi Trung Quốc mở cửa, việc duy trì lợi thế cạnh tranh về giá cả vẫn là một bài toán khiến DN Việt đau đầu. Điều này đòi hỏi DN phải mạnh mẽ trong đầu tư cải tiến hệ thống và công nghệ.

Tính liên kết với nhau cũng cần mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, các DN cũng cần có sự chuẩn bị kỹ từ nhân sự, nguồn lực, đối tác cũng như cần được sự hỗ trợ kịp thời từ các chính sách và sự sẵn sàng của các địa phương.