Những lịch học dày đặc, ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày cùng với áp lực của cha mẹ và thầy cô đang làm các em kiệt sức.
Học ngày, học đêm vì sợ trượt đại học
Nguyễn Phương Thảo - học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) dự định thi khối A - cho biết, “lớp em có bạn đi học một ngày 3 ca. Sáng học đến 11h30, chiều đến 17h, tối đến 22h mới về nhà”. Phương Thảo đăng ký thi vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân, vì thế em dành rất nhiều thời gian để ôn luyện các môn toán, lý, hóa. Ngoài giờ học trên lớp và học thêm, nhiều hôm em còn luyện các đề thi đến 4 giờ sáng. Em cho biết, trung bình mỗi ngày em chỉ ngủ khoảng 2 - 5 tiếng.
Học sinh vốn chịu áp lực học hành, thêm những kỳ thi thử, sức ép càng nặng nề. (Ảnh: Kỳ Anh)
Bạn Phạm Văn Phong- cùng lớp với Thảo- cho biết: “Từ bây giờ cho đến khi thi đại học em phải thi giữa kỳ, cuối kỳ, 3 lần thi thử, một lần thi tốt nghiệp và một đợt thi đại học, cao đẳng. Mỗi lần thi là một lần đầu óc phải căng thẳng. Không biết bọn em có còn sống sót sau 7 kỳ thi này không nữa!”.
Chị Lê Hoa - có con gái đang học lớp 12 - than thở, thấy con học ngày học đêm mà ái ngại. Đến giờ ăn mà vẫn ôm quyển sách, 2-3 giờ sáng vẫn thấy học, không có cả thời gian để giải trí, thậm chí lâu lắm rồi chẳng thấy con cười nữa.
Ngột ngạt vì kỳ vọng của bố mẹ
Phương Thảo cho biết, thầy cô nào cũng kỳ vọng, nhắc nhở phải nỗ lực khiến bọn em ngột ngạt. Nếu thầy cô giáo tạo cho bọn em không khí thoải mái hơn thì sẽ tốt hơn nhiều.
Nhưng có lẽ áp lực nặng nề nhất đối với học sinh chính là từ cha mẹ, gia đình. Một nữ sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành than thở, em chỉ mong bố mẹ đứng ở vị trí của em để hiểu em hơn, chúng em đã rất cố gắng để học tập tốt nhưng vẫn muốn có thời gian trò chuyện với mẹ, hoặc cùng gia đình xem một bộ phim truyền hình. “Mặc dù không muốn đi học thêm nhưng mẹ bắt phải đi, nhiều khi đến lớp học thêm ngủ gục, nghe cô nói tai nọ ra tai kia” - Mai Thanh - học sinh lớp 12 Trường THPT Nhân Chính - bức xúc.
Chị Lê Lan Hương - có con học ở Trường THPT Việt Đức - mong muốn Bộ GDĐT sớm thay đổi cách thi cử để các con không phải chịu những áp lực nặng nề như vậy. Cứ nghĩ đến chuyện sau mỗi kỳ thi đại học lại thấy báo chí đăng tin ở đâu đó có em thi đạt điểm kém, sợ bố mẹ trách mắng đã tự tử mà thấy ái ngại quá.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - khuyến cáo, không nên học liên miên từ sáng đến tối, từ tối đến khuya vì não bị nhồi nhét một lúc quá nhiều kiến thức sẽ bị “rối”, khó nhớ và dễ quên. Vì vậy, các em cần có thời gian thư dãn, “xả hơi” cho não bằng cách bơi lội, tập thể dục, nghe nhạc êm dịu, ngủ một giấc thật sâu hoặc đi chơi với bạn bè. Trong thời gian học căng thẳng đừng bỏ buổi ăn sáng. Khẩu phần ăn nên có thực phẩm giàu đạm (thịt, trứng, cá...) kết hợp với rau xanh, ngũ cốc giàu chất xơ sẽ giúp tăng cường trí nhớ và sự tập trung. Ngoài các bữa chính, nên có các bữa phụ là sữa, bánh, trái cây... Nhớ uống đủ nước, vì 75% não bộ là nước. |