Làm thế nào để giải bài toán nhân sự du lịch Phú Quốc?

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành du lịch TP Phú Quốc thiếu khoảng 40% lượng lao động có trình độ, tay nghề. Nguyên nhân là trong đại dịch Covid-19, nhiều người đã “tháo chạy” do tất cả nhà hàng, khách sạn... trên đảo phải đóng cửa. Bài toán nhân sự du lịch Phú Quốc đang làm nhiều doanh nghiệp... đau đầu.

Nhân viên lễ tân Sunset Sanato Resort and Villas đang làm thủ tục check-in cho du khách (Ảnh: Hữu Tuấn)
Nhân viên lễ tân Sunset Sanato Resort and Villas đang làm thủ tục check-in cho du khách (Ảnh: Hữu Tuấn)

Thiếu nhân sự có tay nghề

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, hầu như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, lữ hành, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TP Phú Quốc đang  phải đối mặt về tình trạng thiếu hụt nhân sự, nhất là những người có trình độ tay cao.

Bước vào thời kỳ cao điểm đón khách du lịch nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lữ hành thiếu khoảng 40% lượng lao động, trong đó, đa phần thiếu lực lượng lao động có tay nghề, nhiều doanh nghiệp phải thuê một lượng lớn người lao động thời vụ để đáp ứng nhu cầu công việc.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Trung Thực - Giám đốc Đối ngoại Sunset Sanato Resort and Villas cho biết, hiện tại, doanh nghiệp đang quản lý, thiếu khoảng 30%, nhân viên có trình độ tay nghề có thể đáp ứng được nhu cầu hoạt động kinh doanh của công ty.

Tương tự như ông Thực, ông Bùi Áng Văn - Tổng Quản lý khách sạn Kim Hoa chia sẻ, trong thời kỳ cao điểm, khách sạn phải chấp nhận, phải trả lương cao để có người lao động đáp ứng nhu cầu công việc, nhưng những người lao động này tay nghề rất kém nhưng khách sạn vẫn phải cắn răng thuê để đủ số lượng đáp ứng cho yêu cầu công việc.

Trong khi đó, ông Trương Công Tâm - Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Phú Quốc cho hay, thời kỳ cao điểm đón khách du lịch đến Phú Quốc, hội hướng dẫn viên du lịch thiếu khoảng 400 đến 500 hướng dẫn viên chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hội phải kêu gọi các hướng dẫn viên từ nơi khác về Phú Quốc để làm việc. Tuy nhiên, số lượng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển "nóng".

Đau đầu trước bài toán tìm nhân sự cho công ty, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc cho biết, hiện tại, doanh nghiệp đang thiếu khoảng 30 nhân viên có kinh nghiệm trong trong lĩnh vực du lịch, nhưng rất khó để tuyển dụng được những nhân viên có trình độ tay nghề để đáp ứng yêu cầu hoạt động của công ty.

Xây dựng chính sách giữ chân nhân viên

Theo ông Nguyễn Vũ Khắc Huy - Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vina Phú Quốc cho hay, để có đủ nhu cầu đáp ứng được yêu cầu công việc, công ty phải ký kết hợp tác với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang để có nguồn cung có thể đáp ứng yêu cầu công việc, bên cạnh đó, công ty còn tuyển dụng những nhân viên ngoài ngành du lịch để đào tạo những người đó thành một người làm du lịch chuyên nghiệp. Đồng thời, kèm theo đó là những chính sách như: hỗ trợ ăn, ở và thậm chí cả chi phí đi lại...

Đồng quan điểm với ông Huy, ông Lê Trung Thực - Giám đốc Đối ngoại Sunset Sanato Resort and Villas cho rằng, công ty ông đang quản lý đã ký liên kết với 6 trường trung cấp, cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh Kiên Giang để có được nguồn đầu vào có tay nghề, đi kèm theo đó là công ty cũng có những chính sách thu hút người lao động như hỗ trợ chỗ ở ký túc xá, hỗ trợ ăn... để người lao động an tâm gắn bó với công việc, không chỉ vậy, công ty còn thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân viên.

Tuy nhiên, theo ông Trương Công Tâm - Chủ tịch Hiệp hội hướng dẫn viên du lịch Phú Quốc chia sẻ, ở Phú Quốc có một lượng lớn người dân địa phương am hiểu về văn hóa, du lịch của Phú Quốc, những người này đang hoạt động tự do, không có chứng chỉ để hoạt động hướng dẫn viên, ông mong muốn tỉnh có những chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hoạt động hướng dẫn viên tại địa phương cho những người không làm du lịch chuyên nghiệp và giao cho hội hướng dẫn viên quản lý.

Một lớp đào tạo nhân sự cho ngành du lịch trên đảo Phú Quốc (Ảnh: Hữu Tuấn)
Một lớp đào tạo nhân sự cho ngành du lịch trên đảo Phú Quốc (Ảnh: Hữu Tuấn)

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Đặng Hồng Sơn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang cho biết: hiện tại lao động đang có xu hướng dịch chuyển sang những doanh nghiệp ổn định, cơ cấu lao động việc làm của tỉnh là 55%, trong đó lao động dịch chuyển ra ngoài tỉnh chiến hơn 50% do đó ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, việc làm tại Phú Quốc.

Hàng năm, Sở LĐ-TB& XH cũng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch sử dụng lao động cho Phú Quốc, Rạch Giá, Châu Thành...sở cũng có công văn gửi 6 trường trung cấp, cao đẳng, đại học ra Phú Quốc để liên kết với các nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch lữ hành để tạo đầu ra cho sinh viên.

Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết: Phú Quốc đang cần một lượng lớn nguồn lực lớn lao động, UBND TP cũng đã chỉ đạo một số phòng ban, chuyên môn phối hợp với Sở LĐ-TB &XH và các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh tập trung đào tạo và định hướng đối với các em học sinh lớp 12, học nghề tạo nghề, tạo việc làm tại địa phương định hướng việc làm theo ngành du lịch, dịch vụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần