Làn sóng Omicron ở Nam Phi đến hồi kết chỉ sau 1 tháng?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dữ liệu đầy hứa hẹn từ Nam Phi - nơi đầu tiên báo cáo các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trên thế giới - cho thấy làn sóng Covid-19 do biến thể siêu lây lan này ở nước này đang mờ dần chỉ sau 1 tháng.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Nam Phi. Ảnh: AFP 
Nam Phi đã trở thành điểm nóng của biến thể mới Omicron khi chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm Covid-19 mới vào cuối tháng 11/2021 - thời điểm nước này báo cáo các ca nhiễm biến thể mới đầu tiên - đến giữa tháng này. Tại thời điểm đó, số ca nhiễm mới của Nam Phi tăng từ 670 lên 11.800 ca/ngày, tăng 1.800% trong khoảng thời gian chỉ 2 tuần.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, tỷ lệ trường hợp mắc bệnh ở Nam Phi dường như đã chững lại. Số ca đạt đỉnh trên toàn quốc là 26.976 vào ngày 15/12 và sau đó liên tiếp giảm dần. Số liệu từ Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi (NICD) cho thấy, số ca mắc mới đã giảm 23% trong 7 ngày qua, sau khi giảm 14% so với 1 tuần trước đó.

Trong khi các chuyên gia đã lo ngại rằng một làn sóng nhập viện chết người sẽ theo sau sự gia tăng của các ca bệnh, tỷ lệ nhập viện ở Nam Phi lại thấp hơn so với những đợt trước đây.

Trong vài ngày qua, số ca nhập viện dường như cũng chững lại ở mức chỉ dưới 400 ca/ngày - so với mức cao 2.000 ca khi Delta là dòng trội tại đây. Số ca tử vong ở Nam Phi do Omicron chưa vượt quá 100 ca/ngày, cũng chỉ là một phần nhỏ so với 600 ca/ngày trong làn sóng Delta.

Một số chuyên gia, chẳng hạn như Chris Whitty, cựu cố vấn cấp cao của Chính phủ Anh, nhận định rằng số lượng bệnh nhân thấp trong làn sóng Omicron siêu lây lan này có thể là do dân số của Nam Phi trẻ hơn, ít có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nặng hơn.

Nam Phi cũng có mức độ miễn dịch cao đối với các trường hợp nhiễm trùng Covid-19 trong quá khứ. Theo một số ước tính, hơn 50% dân số có kháng thể Covid-19 từ một lần nhiễm virus vào mùa Hè năm nay. Nhìn chung, các kháng thể từ lần nhiễm virus trước có thể bảo vệ người nhiễm khỏi bệnh nặng.

Thêm vào đó, theo Our World in Data, khoảng 30% người Nam Phi đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19. "Tất cả các dấu hiệu cho thấy một hồi kết, chúng tôi đã vượt qua đỉnh làn sóng dịch ở Gauteng (tâm chấn của làn sóng Omicron ở Nam Phi)" - Tiến sĩ Michelle Groome, nhà khoa học Nam Phi, nói và gọi đây là dấu hiệu lạc quan về xu hướng giảm số ca bệnh.

Tuy nhiên, ông Groome và các chuyên gia khác đã lưu ý rằng, thường có độ trễ từ 2 tuần trở lên giữa số ca nhiễm và các ca bệnh nặng. Bên cạnh đó là việc biên giới đang mở cửa và du lịch đnag trở lại. Do đó, số ca nhập viện và tử vong có thể tiếp tục tăng ở Nam Phi trong những tuần tới ngay cả khi số ca bệnh giảm.

Tuy nhiên, sự sụt giảm các trường hợp có thể là một dấu hiệu đầy hứa hẹn đối với nhiều quốc gia như Mỹ, Anh... - hiện đang trong những tuần đầu của làn sóng Omicron.

Từ số liệu thống kê ca nhiễm ở Nam Phi, các chuyên gia dự đoán sự lây lan trong vài tuần tới ở Mỹ, nơi biến thể Omicron hiện đang chiếm ưu thế, có thể đạt đỉnh vào tháng 1/2022 tới.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, từ ngày 12 - 18/12, Omicron chiếm 73% trong tổng số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này, một bước nhảy vọt so với tuần trước đó chỉ chiếm 12%. Tuy nhiên, số ca tử vong do biến thể mới này rất thấp, không đáng kể so với các biến thể trước.

Giải thích nguyên nhân trên, cố vấn y tế hàng đầu Nhà Trắng Anthony Fauci nói rằng phần lớn những người được tiêm phòng đầy đủ và tiêm liều vaccine tăng cường sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Omicron.

"Sự lan rộng của biến thể mới nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc tiêm chủng và các nỗ lực phòng ngừa cần thiết để bảo vệ chống lại Covid-19" - CDC Mỹ cho biết trong một thông báo - "Dữ liệu ban đầu từ Nam Phi cho thấy khả năng lây truyền của biến thể Omicron tăng lên, và các nhà khoa học ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới đang khẩn trương kiểm tra tính hiệu quả của vaccine liên quan đến biến thể này".