Lăng mộ vua Lê Túc Tông bị đào trộm, vỡ bia đá khắc chữ Hán
Kinhtedothi - Ẩn mình giữa vùng rừng đồi yên tĩnh ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), lăng mộ vua Lê Túc Tông - một di tích quan trọng thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh vừa bị xâm phạm nghiêm trọng. Vụ đào trộm đã để lại hố sâu hơn 1,6m cùng những mảnh bia đá khắc chữ Hán và hình rồng thời Lê Sơ bị vỡ vụn, khiến giới chuyên môn và người dân không khỏi bàng hoàng.

Lăng mộ vua Lê Túc Tông bị đào bới, phá vỡ bia.
Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa vừa có Văn bản số 2171/SVHTTDL-DSVH gửi Bộ VHTT&DL để báo cáo vụ việc đào bới trái phép tại lăng mộ vua Lê Túc Tông. Đồng thời, các cơ quan liên quan cũng khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho di tích; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi trộm cắp, đào bới, buôn bán, trao đổi trái phép di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, ngày 3/5, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Thanh Hóa phát hiện dấu hiệu xâm hại tại khu vực lăng mộ và báo cáo ngay với cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Sở VHTT&DL Thanh Hóa đã phối hợp với UBND các huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân cùng Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra hiện trường, thu giữ dụng cụ liên quan, lập biên bản sự việc và bàn giao tang vật phục vụ điều tra. Sở cũng nhanh chóng báo cáo sự việc và xin ý kiến chỉ đạo từ Chủ tịch UBND tỉnh.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, lăng mộ vua Lê Túc Tông đã bị 3 đối tượng người Trung Quốc đào bới. Hố đào có kích thước 90cm x 52cm, sâu khoảng 1,6m. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 14 mảnh bia đá có khắc chữ Hán và họa tiết rồng thời Lê xác định là bia mộ với những dòng chữ như “Đại Việt Túc Tông Nhượng…” khắc theo hàng dọc, cỡ chữ lớn, kiểu chữ Khải. Ngoài ra, còn có 15 mảnh gạch màu xám đen cũng được phát hiện.

Khu lăng mộ vua Lê Túc Tông bị 2 người Trung Quốc đào bới.
Toàn bộ hiện vật đã được Công an tỉnh Thanh Hóa niêm phong trong thùng sắt và lưu giữ tại kho của Khu di tích lịch sử Lam Kinh để phục vụ công tác điều tra. Hiện các đối tượng đào trộm đang bị Công an tỉnh Thanh Hóa tạm giữ, tiếp tục điều tra theo quy định pháp luật.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Thanh Hóa cũng khẳng định, ngoài lăng vua Lê Túc Tông bị xâm hại, các công trình kiến trúc, lăng mộ và hệ thống bia khác trong Khu di tích Lam Kinh là những bảo vật quốc gia vẫn được bảo vệ an toàn, không có dấu hiệu bị xâm phạm. Các hạng mục này được bảo quản, tu bổ thường xuyên hàng năm, trong khi hệ thống camera giám sát, hàng rào thép gai và cột mốc giới cũng được lắp đặt đầy đủ để ngăn ngừa xâm hại.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung và Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh nói riêng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 6467/UBND-VHXH và Công văn số 6657/UBND-VHXH về việc đảm bảo an ninh, an toàn cho các di tích và xử lý các hành vi vi phạm.

2 người Trung Quốc bị bắt di lý về Thanh Hóa để thực nghiệm hiện trường.
Theo chỉ đạo từ Bộ VHTT&DL và Cục Di sản văn hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật.
Ngày 13/5, Sở VHTT&DL Thanh Hóa tiếp tục ban hành Công văn số 2145/SVHTTDL-DSVH gửi các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ, đảm bảo an toàn cho các di tích lịch sử - văn hóa.
Theo kết quả rà soát bước đầu của Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có 18 lăng mộ vua chúa, hoàng hậu và các vị quan được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và Di tích cấp quốc gia; 37 lăng mộ được xếp hạng cấp tỉnh và 24 lăng mộ khác đang được địa phương và dòng họ quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị.

Khẩn trương đánh giá mức độ thiệt hại của di tích lăng mộ vua Lê Túc Tông
Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương đã ký Công văn số 2096/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc bảo đảm an toàn, an ninh cho di tích trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa tăng cường bảo vệ các khu lăng một vua chúa
Kinhtedothi - Trước vụ việc lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm hại, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời kiến nghị siết chặt công tác bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa trên toàn địa bàn.

Lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm phạm, để lại thiết bị dò cổ vật và giấy tờ lạ
Kinhtedothi - Khu lăng mộ vua Lê Túc Tông, thuộc Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, có dấu hiệu bị xâm phạm trái phép. Tang vật tại hiện trường cho thấy khả năng vụ việc liên quan đến hoạt động truy tìm cổ vật trái phép với yếu tố nước ngoài.