KTĐT - Tuy đã chuyển ra ngoài khu dân cư được hơn chục năm, nhưng ô nhiễm môi trường do các hộ thu mua, sơ chế xương động vật tại thôn Thụy Ứng, xã Hoà Bình, huyện Thường Tín vẫn gây bức xúc trong nhân dân quanh vùng.
Việc kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng diễn ra từ năm này sang năm khác, đến mức ông Chủ tịch UBND xã phải thở dài: "Phạt đi phạt lại nhiều quá thành nhàm. Cứ đi kiểm tra là thấy vi phạm".
Hàng chục tấn xươngdậy mùi
Thụy Ứng là làng nghề truyền thống chế biến xương, sừng, da động vật thành các sản phẩm cung cấp cho thị trường. Trong đó, việc sơ chế xương động vật (chủ yếu là xương trâu, bò) gây ra nhiều bức xúc về vấn đề môi trường nhất, đặc biệt là ô nhiễm không khí. "Vào những lúc các hộ cùng chế biến thì mùi từ các lò chế biến này phát tán ra cả hơn cây số, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người dân xung quanh" - ông Nguyễn Đình Tuỳ, Chủ tịch UBND xã Hoà Bình nói.
Hiện nay, Thụy Ứng có 3 hộ kinh doanh sản phẩm xương động vật. Mỗi tháng, các hộ này thu mua, chế biến từ 15 - 20 tấn xương. Do đó, ô nhiễm từ việc hấp, sấy khối lượng lớn xương này là rất đáng quan ngại. Tại khu tập trung sơ chế xương của hộ ông Trần Văn Hiền chất đống khoảng 10 tấn xương. Tuy đã đã được che bạt, nhưng mùi xú uế nồng nặc. Ruồi, nhặng bu kín những mảnh xương lộ ra ngoài. Thời gian này, Thụy Ứng bị cắt điện luân phiên nên việc sơ chế bị đình trệ. Lượng xương tồn đọng ngày một nhiều. Chỉ tính riêng 10 tấn xương này, nếu không thu mua thêm, tổ máy nhà ông Hiền phải mất ít nhất 2 tháng chế biến liên tục mới hết.
Lo lắng vì cảnh mất điện, máy sấy phải dừng hoạt động, ông Hiền chia sẻ: Chúng tôi vì mưu sinh nên phải làm nghề chế biến xương. Hiện tại, do chưa đủ khả năng tài chính để áp dụng các biện pháp tiên tiến khắc phục vấn đề ô nhiễm. Nhận thức rõ ràng về việc gây ô nhiễm là vậy, nhưng hỏi đến khi nào thì tình trạng trên mới chấm dứt, ông Hiền cũng không biết.
Khó cho chính quyềnđịa phương
UBND huyện Thường Tín cho biết, huyện đã có quy hoạch chuyển các hộ kinh doanh xương sừng động vật ở Thụy Ứng tập trung thành một khu công nghiệp, địa điểm ở đội 7 của thôn, gần trục đường 427. Tuy nhiên, địa điểm này gần Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và chỉ cách xã Văn Phú chừng 300m, nên không phù hợp để các kho sơ chế xương hoạt động. Nếu tránh cho các thôn, xã này thì sẽ ảnh hưởng đến thôn, xã khác. Do đó, kế hoạch triển khai khu chế biến xương động vật tập trung ở Thụy Ứng dự kiến thực hiện vào năm 2010 đã không thành hiện thực.
3 hộ kinh doanh, sơ chế xương động vật ở Thụy Ứng bị các cơ quan chức năng từ Trung ương, thành phố đến huyện Thường Tín kiểm tra, xử phạt thường niên, trong khi đó vấn nạn ô nhiễm thì vẫn quanh năm, suốt tháng. Mới đây nhất, vào đầu tháng 4/2011, lực lượng quản lý thị trường huyện Thường Tín đã tiến hành kiểm tra tại 3 hộ kinh doanh, bao gồm hộ bà Nguyễn Thị Mai, bà Nguyễn Thị Thơ (vợ ông Hiền) và bà Nguyễn Thị Tuyết thì cả 3 cơ sở đều vi phạm giống nhau là không có cam kết bảo vệ môi trường, không có giấy phép kinh doanh.
Khả năng đình chỉ hoạt động kinh doanh của những hộ này đã nhiều lần được tính đến, tuy nhiên, theo ông Tuỳ, đó không phải là giải pháp tối ưu: "Bên cạnh tạo công ăn việc làm trực tiếp cho mấy chục lao động trong xã, đây cũng là địa điểm xử lý một lượng lớn xương động vật ở Hà Nội. Nó có mặt trái là gây ô nhiễm môi trường, vấn đề đặt ra là cần có yêu cầu bắt buộc các hộ kinh doanh phải có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, đạt quy định cho phép. Điều này, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc".
Như vậy, khi bài toán giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường ở Thụy Ứng còn chưa có lời kết, thì vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng nơi đây sẽ còn song hành cùng với tiến trình phát triển của làng nghề này, không chỉ 5 năm, 10 năm mà có thể lâu hơn nữa.