Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãnh đạo Canada bỏ họp, TPP-11 gặp khó

Lan Hương - Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, 11 quốc gia đã đạt được một thỏa thuận cấp bộ. Tuy nhiên, đại diện Canada lại có phản ứng trái chiều.

Chưa đạt được đồng thuận
Sau phiên họp kín tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng tối 9/11 giữa các Bộ trưởng của 11 nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP-11), đại diện Nhật Bản cho hay, các nước đã thống nhất được thỏa thuận nguyên tắc của hiệp định.
 TPP-11 vẫn chưa thể đạt được đồng thuận.
Kết quả này được giới bình luận coi là thành tựu lớn cho 11 quốc gia đã dành nhiều tháng để cứu vãn TPP sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút lui hồi đầu năm nay, đồng thời định hình tương lai của hoạt động kinh doanh trong khu vực châu Á Thái Bình Dương trong nhiều năm tới.
Theo nhật báo Nikkei, các Bộ trưởng nhóm nước TPP-11 đã có cuộc họp kéo dài đến tận nửa đêm 9/11 bên lề Hội nghị APEC với kết quả thành công. “11 quốc gia đã đạt được một thỏa thuận cấp bộ”, theo Bộ trưởng Kinh tế Toshimitsu Motegi chia sẻ với báo giới khi cuộc họp kín kết thúc vào tối muộn bên lề APEC. Tuy nhiên, sau đó, Bộ trưởng Thương mại Canada François-Philippe Champagne viết trên Twitter rằng: "Dù có các thông tin, vẫn chưa có thỏa thuận căn bản về TPP". Động thái này cho thấy, một Tuyên bố chung giữa 11 nước thành viên còn lại của TPP sẽ khó thành hiện thực. Hiện Canada đang tập trung đàm phán hiệp định thương mại tự do NAFTA với Mỹ và Mexico và đây mới là hiệp định được ưu tiên.

Đồng thời, Thủ tướng Canada Justin Trudeau không tham dự cuộc họp dự kiến giữa các lãnh đạo 11 nước thành viên nên một tuyên bố về TPP không thành hiện thực. Hiện chưa rõ lý do Canada đưa ra quyết định đột ngột tuy nhiên các quan chức nước này, bao gồm Thủ tướng Trudeau trong những ngày qua đã tỏ thái độ rằng họ cần có thêm thời gian trước khi "chốt" thỏa thuận.
TPP-11 là bước ngoặt quan trọng
Tiến sĩ Nicholas Chapman - trường Đại học Quốc tế Nhật Bản cho hay, giai đoạn chủ trương toàn cầu hóa gặp trở ngại trong khi chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi, nếu TPP-11 đạt được nguyên tắc chung, đây sẽ là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy tự do hóa thương mại vẫn còn nhiều dư địa trong chương trình nghị sự.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã đưa ra lập trường rõ ràng rằng họ coi trong các thỏa thuận thương mại song phương hơn. Việc Mỹ rút khỏi TPP chắc chắn làm giảm đáng kể trọng lượng kinh tế của hiệp định, nhưng TPP-11 hiện cũng bao gồm các nước thành viên có dư địa thương mại song phương lớn với Washington trong tương lai, đặc biệt là với Mexico và Canada, vốn đang đợi tái đàm phán NAFTA với Mỹ.
Nhật Bản vẫn tỏ rõ kỳ vọng Mỹ sẽ quay lại TPP vào một thời điểm nào đó trong tương lai. TPP-11, nếu thành công, có thể chứng minh với Mỹ những lợi ích của việc gia nhập hiệp định này cũng như theo đuổi tự do thương mại. Ngoài ra, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã nỗ lực để thiết lập một mối quan hệ cá nhân vững chắc với Tổng thống Mỹ. "Dù kỳ vọng việc Tổng thống Donald Trump sẽ đảo ngược quyết định về TPP còn mong manh, nhưng mối quan hệ mạnh mẽ với ông Abe có thể mở ra con đường cho các cuộc đàm phán tiềm năng để Mỹ quay lại Hiệp định này", tiến sĩ Nicholas Chapman nói thêm.
Bà Virginia Foote - cựu Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt kỳ vọng TPP-11 sẽ tiếp tục tiến lên, trở thành thỏa thuận thương mại chính thức và có hiệu lực. Thiết kế của TPP là một thỏa thuận mở mà các quốc gia đều có thể tham gia, không chỉ với Mỹ mà với cả nhiều quốc gia châu Á khác. "Vì thế, khi TPP-11 khởi đầu, sau đó sẽ là TPP-12, TPP-13 hay thậm chí là TPP-14... Tôi hy vọng điều này sẽ sớm xảy ra”, bà Virginia Foote bày tỏ.

Thiếu sự hiện diện của Mỹ, tác động kinh tế của TPP hạn chế hơn. 11 quốc gia còn lại chiếm 13.5% GDP và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu (con số lần lượt là 38,2% và 26,5% nếu có Mỹ). Tuy nhiên, sự kiện này thể hiện các quốc gia châu Á Thái Bình Dương khẳng định hoạt động thương mại song phương chính là tương lai cho nền kinh tế. Các đàm phán về TPP bắt đầu vào năm 2010 với 8 quốc gia ban đầu là Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. 4 nước còn lại bao gồm Nhật Bản, Malaysia, Canada và Mexico yêu cầu tham gia sau đó.
Những người ủng hộ tự do thương mại hy vọng rằng TPP-11 thành công bước đầu sẽ tạo động lực cho nhiều hiệp định thương mại khác đang đàm phán như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) và buộc các thành viên kém hào hứng của RCEP chấp nhận áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn cho hiệp định gồm 16 nước này.