Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãnh đạo EU quyết tịch thu tài sản bị “đóng băng” của Nga?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo EU dự kiến ủng hộ kế hoạch tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine tái thiết sau chiến tranh, nhưng đề xuất này đang gây ra những tranh cãi do thiếu cơ sở pháp lý.

Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra từ ngày 9-10/2 tại thủ đô Brussels của Bỉ. Ảnh: AFP
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra từ ngày 9-10/2 tại thủ đô Brussels của Bỉ. Ảnh: AFP

Theo  kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra từ ngày 9-10/2 tại thủ đô Brussels của Bỉ sẽ thảo luận về vấn đề Ukraine, khủng hoảng kinh tế, vấn đề di cư và phản ứng của châu Âu trước các chương trình trợ cấp của Mỹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong năm 2023, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ nhất trí kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine  Volodymyr Zelensky, trong đó kêu gọi Nga rút quân, khôi phục biên giới của Ukraine và thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố các tội ác chiến tranh của Moscow.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đã gửi một lá thư đến các nhà lãnh đạo EU nhằm hối thúc khối này sớm quyết định về việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine.

“Những tài sản bị đóng băng của Nga phải được tịch thu càng sớm càng tốt, chúng ta không thể chờ đợi thực hiện việc này sau khi chấm dứt chiến tranh  tại Ukraine” - hãng tin EURACTIV trích nội dung lá thư được Thủ tướng Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. Thụy Điển hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên và chịu trách nhiệm soạn thảo các chương trình nghị sự cho hội đồng EU.

Theo nội dung lá thư trên, các tài sản bị đóng băng của Nga nên được sử dụng để “trang trải chi phí khắc phục thiệt hại từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, bao gồm cả việc hỗ trợ những người di cư cũng như cung cấp nguồn tài chính phục vụ tái thiết Ukraine trong tương lai.

Do đó, lãnh đạo Ba Lan và các nước Baltich cho rằng hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới cần có cuộc thảo luận “mang tính quyết định”, sau đó đưa ra những “hướng dẫn cụ thể” cho cơ quan điều hành của EU liên quan đến vấn đề này. Lãnh đạo Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia nêu rõ trong lá thư: “Những hướng dẫn của EU sẽ là cơ sở cho đề xuất hợp pháp về việc sử dụng tài sản bị đóng băng để hỗ trợ tái thiết Ukraine, do đó chúng ta cần sớm hoàn thiện các văn bản này ngay lập tức”.

Trước đó, hồi tháng 11/2022, Ủy ban châu Âu đã đề xuất tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và tìm kiếm phương án pháp lý để dùng số tiền đó hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trong ngắn hạn, EU và các đối tác có thể quản lý số tài sản của Nga bị “đóng băng” và mang đi đầu tư. Số tiền thu được sẽ được chuyển đến Ukraine để bồi thường những thiệt hại do chiến sự ở nước này

EU đã thu giữ tài sản với tổng giá trị khoảng 17,4 tỷ euro (tương đương 18 tỷ USD) của các doanh nhân và công ty Nga, cùng với tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, như một phần của các lệnh trừng phạt đối với Moscow. Theo EC, Brussels không có số liệu cụ thể về lượng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga mà các nước trong khối nắm giữ.

Điện Kremlin cho biết khoảng 300 tỷ USD dự trữ ở nước ngoài đã bị "đóng băng" kể từ tháng 3, cùng với hàng tỷ USD thuộc về các doanh nghiệp và cá nhân Nga.

The tờ The Guardian, một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói rằng hiện chưa rõ liệu tất cả tài sản bị “đóng băng” của Nga có bị tịch thu vĩnh viễn để hỗ trợ cho Ukraine hay không, nhưng cho biết đề xuất của Ba Lan và các nước Baltic tham vọng hơn ý tưởng của Ủy ban châu Âu về việc chỉ sử dụng số tiền thu được từ một quỹ để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này lưu ý rằng hiện “các chi tiết về mặt pháp lý vẫn chưa được thảo luận cụ thể”.

Điện Kremlin cho biết khoảng 300 tỷ USD dự trữ ở nước ngoài đã bị "đóng băng" kể từ tháng 3/2022. Ảnh: RT
Điện Kremlin cho biết khoảng 300 tỷ USD dự trữ ở nước ngoài đã bị "đóng băng" kể từ tháng 3/2022. Ảnh: RT

Trong khi đó, giới phân tích nhận định rằng các nhà lãnh đạo EU khó có thể đưa ra quyết định liên quan đến việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của khối trong năm 2023. Nhiều chuyên gia pháp lý nói rằng việc tịch thu tài sản của Nga sẽ là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Còn theo một quan chức EU, các nhà lãnh đạo EU muốn đạt được tiến bộ trong vấn đề này, trước hết phải lập bản đồ về tài sản của Ngân hàng trung ương Nga đang bị phong tỏa.