Hành trình sưu tầm tư liệu về Bác
Năm 1977, ông Nguyễn Văn Nhung bắt đầu sưu tầm tài liệu về Bác. Lúc ấy giờ, cả TX Sóc Trăng (nay là TP Sóc Trăng) có chưa đến 10 sạp báo và 5 nhà sách. Còn như ở Kế Sách quê ông Nhung, cả huyện chỉ có một vài chỗ bán báo. Nói như thế để thấy được hành trình sưu tầm tài liệu về Bác Hồ của ông Nguyễn Văn Nhung trên 45 năm qua là không đơn giản chút nào.
Ông Nguyễn Văn Nhung kể: "Ở xứ xa xôi này, tìm sách báo khó lắm. Tôi phải kiên nhẫn lắm, thậm chí phải lì mới có được. Khi thì cọc cạch đạp xe ra huyện, khi thì lên tỉnh, tìm đến ngành văn hóa thông tin, thư viện, các trường học, báo đài ở tỉnh, ở huyện để xin báo cũ. Sau đó tìm đến trụ sở xã, Bưu điện… nơi nào có báo là tôi tìm đến."
"Có khi may mắn kiếm được kha khá. Nhưng có khi mang về cả một đống báo nhưng tìm mãi chẳng có bài nào. Lúc đó buồn ghê lắm. Thỉnh thoảng, dành dụm được chút đỉnh tiền, tôi ra Thị xã Sóc Trăng tìm mua báo cũ, lục tìm tài liệu, hình ảnh về Bác. Hễ thấy ở đâu có ảnh, có tài liệu về Bác là tôi tìm đến, xin cho bằng được mới thôi", ông Nhung chia sẻ về những ngày đầu khó khăn tìm tư liệu.
Sau khi khi có được báo từ các sạp báo, ông Nhung mang về nhà phân loại. Đọc kỹ từng tờ, tờ nào có tài liệu, hình ảnh liên quan đến Bác là gom lại, cất cẩn thận vào trong bao tải. Đặc biệt, cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, trong nhà ông Nhung lại có thêm một số tài liệu, hình ảnh Bác.
Có tài liệu, hình ảnh rồi, ông phân loại theo từng mốc như Bác khi nhỏ, Bác khi đi tìm đường cứu nước, Bác ở nước ngoài, Bác ở Việt Bắc, Bác với các tầng lớp nhân dân...
Không những dành thời gian sưu tầm, ông Nguyễn Văn Nhung còn bỏ thời gian nghiên cứu, đọc và nhớ rất nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến Bác. Ông Nhung kể, có lần, ông được một đoàn làm phim mời sang thăm Đền thờ Bác Hồ (ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) để thuyết trình về tranh.
Một cán bộ của ngành văn hóa nghe giới thiệu ông Nhung là người có bộ sưu tập tài liệu, hình ảnh về Bác rất nhiều nên “nhờ” ông thuyết minh giúp cho mấy tấm ảnh về Bác trong nhà lưu niệm. Biết họ muốn kiểm tra kiến thức của mình, nên ông đã giới thiệu một cách chi tiết về những sự kiện lịch sử trong ảnh, khiến nhiều người thán phục.
Chung tay vì tấm lòng với Bác
Sưu tầm được tư liệu đã khó khăn, bảo vệ được tư liệu ấy theo năm tháng là một việc kỳ công gấp nhiều lần. Ông Nhung chia sẻ, hồi đó nhà ông nghèo lắm. Vợ chồng có 5 đứa con nhưng học hành dang dở vì nhà quá nghèo, lại không có đất đai sinh sống. Để nuôi con, vợ chồng ông phải mở một quán cháo nhỏ ven đường. Còn căn nhà của ông nằm cạnh bờ sông Cầu Lộ.
Đó là một căn nhà sàn ọp ẹp, mái dột cột xiêu; trong nhà, tài sản có giá nhất, chiếm chỗ nhiều nhất vẫn là kho tài liệu về Bác Hồ, chiếm hơn một nửa diện tích căn nhà. Tất cả đều được chất thành hàng, thành lối nằm trên sàn nhà, bên trên được phủ bằng tấm vải nhựa tránh bụi bặm và mưa dột.
Câu chuyện về sự kiên trì và tấm lòng của ông Nhung đối với Bác được nhiều người dân trên cả nước biết đến. Năm 2005, nhằm chung tay giúp đỡ ông Nhung, chính quyền và cấp ủy Đảng các Quận 1 và Quận 3, TP Hồ Chí Minh đã xây tặng gia đình ông Nhung một căn nhà rộng 75m2 khá khang trang và tặng tủ đựng tài liệu để bảo vệ tài liệu về Bác tốt hơn. Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng hỗ trợ kinh phí để ông Nhung tu bổ, bảo quản thư viện của mình.
Không chỉ vậy, nhiều cựu chiến binh ở TP Hồ Chí Minh, thầy cô, học sinh ở Nghệ An, Phan Thiết, Huế, Bạc Liêu, Cần Thơ… đã gửi thư cho ông làm quen, giao lưu và gửi tặng ông Nhung nhiều tài liệu quý về Bác Hồ với mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng thư viện Bác Hồ của ông.
Nơi lưu trữ tư liệu vô giá cho mọi người
Với hàng ngàn trang tài liệu, trên 2.000 tấm ảnh về Bác, không những là tài sản vô giá của cá nhân ông Nhung, thư viện này còn trở thành kho tài liệu cung cấp những kiến thức quý giá cho nhiều người ở địa phương và ngoài tỉnh.
Mỗi khi có cuộc thi tìm hiểu nào về Lịch sử, các em học sinh của xã lại đến chú Nhung để mượn tài liệu hay nhờ chú giải thích cho. Vô tình ông trở thành giáo viên dạy Lịch sử bất đắc dĩ ở địa phương.
Em Trương Trâm Anh - học sinh trường THCS xã Thới An Hội phấn khởi nói: “Ở đây ai cũng biết chú Nhung cả. Tụi con hay đến nhà chú để xem tranh ảnh về Bác Hồ, đọc tài liệu về Bác. Nhà chú Nhung nhiều tài liệu về Bác Hồ hơn cả thư viện trường cấp 3, thư viện của huyện nữa”.
Nhiều người trước đây thấy ông Nhung làm công việc sưu tầm tài liệu, hình ảnh Bác thì cho là viễn vông, thậm chí có người còn cho là “không bình thường”. Thế nhưng, giờ đây người dân địa phương rất thán phục với sự kiên trì và tấm lòng của anh đối với Bác Hồ kình yêu.
Một người hàng xóm, gần nhà ông Nhung chia sẻ: “Lúc đầu, ai cũng cười việc làm của ông Nhung. Nhưng bộ sưu tập của ông Nhung đã đem lại nhiều hiểu biết cho người dân nơi đây. Không chỉ ở nhà, ông Nhung còn đưa ảnh Bác ra trưng bày ở trung tâm xã cho nhiều người cùng chiêm ngưỡng, hiểu hơn về cuộc đời của Bác."
Ông Nhung tâm sự: “Ngày còn bé, tôi được nghe bà ngoại, mẹ, các chú bộ đội… kể nhiều câu chuyện cảm động về cuộc đời, thân thế của Bác. Tôi hiểu Bác là người đã đem lại độc lập tự do cho dân tộc, hòa bình cơm áo cho nhân dân. Vì thế, tôi luôn nhớ về Bác. Sưu tầm tư liệu, lập thư viện về Bác, tôi mong muốn lúc nào bên mình cũng có Bác. Tôi coi những tài liệu, hình ảnh là tài sản vô giá của mình và sẽ thực hiện công việc này cho đến hết đời mình”.
Bên cạnh sưu tầm tư liệu về Bác, ông Nhung cũng còn sưu tầm rất nhiều hình ảnh về các vị cách mạng tiền bối, các vị anh hùng dân tộc, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc như: Võ Nguyên Giáp, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai,….