Ký ức
Những tháng qua, căn nhà "bom" của lão nông Trần Văn Chức ( SN 1969, thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được dựng lên bên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã trở thành điểm đến của nhiều người dân và du khách.
Sau tấm bia đá di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn và cây bồ đề của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên trồng khi xây dựng bia đá, căn nhà "bom" đúng nghĩa đen của lão nông Trần Văn Chức khiến không ít người sửng sốt. Từ cổng chào đến căn nhà đều được thiết kế từ những vỏ bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh được xây dựng, bố trí một cách khéo léo.
Ngay giữa gian nhà với dòng chữ như tâm nguyện của ông khi xây dựng nên căn nhà này: “Nhà bom – lưu giữ kỷ vật chiến tranh. Tôn vinh giá trị lịch sử dân tộc”.
Chất giọng đặc sệt tiếng địa phương, ánh mắt của lão nông Trần Văn Chức ẩn chứa những tâm tình về dự án mà ông đang theo đuổi hàng chục năm qua. Ông tâm sự: "Sinh ra và lớn lên trên vùng “đất lửa” Vĩnh Linh, bên dòng sông lịch sử Bến Hải – nơi đầu vĩ tuyến 17, mình thấu hiểu rõ những gì chiến tranh để lại nơi mảnh đất này".
Đó là những mất mát, đau thương trong chiến tranh và kể cả sau khi hòa bình lập lại với những quả bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh. Tiếng khóc chào đời của ông cũng hòa lẫn trong tiếng bom rơi, đạn nổ và cả những ánh đèn leo lét trong căn hầm chữ A dưới lòng đất. Hay là tiếng kẻng làm từ vỏ bom vang lên báo động.
Chỉ tính bình quân đầu người dân Vĩnh Linh những năm tháng chiến tranh thì mỗi người chịu hơn 7 tấn bom đạn hủy diệt. Trong khói lửa, bom đạn, người dân Vĩnh Linh vẫn đứng vững đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Từ những hoang tàn, người dân Vĩnh Linh xây dựng nên diện mạo của một vùng đất như ngày hôm nay.
“Cái ký ức đó vẫn theo suốt mình đến tận bây giờ. Đó là những năm tháng đau thương nhưng hào hùng dân tộc chúng ta. Nơi mảnh đất một phần là đất, ba phần là sắt thép này trở thành chứng tích của một giai đoạn lịch sử. Thế nhưng, những hiện vật ngày càng mai một đi nên mình mới nghĩ đến việc xây dựng một căn nhà nhằm lưu giữ lại những ký ức này”, ông Chức tâm sự.
Căn nhà “bom” cùng hàng nghìn kỷ vật
Chắt chiu, gom góp từng tí một, từ những vỏ bom tấn, bom tạ (mà người dân nơi đây hay gọi) đến những vỏ đạn pháo, vỏ bom bi… Để giờ này ông sở hữu khoảng 300 vỏ bom các loại cùng hàng nghìn vỏ đạn pháo cùng các hiện vật của những năm tháng không thể nào quên của người dân Vĩnh Linh. Đó là những ngọn đèn dầu từ vỏ bom bi, thùng đựng, bi-đông từ vỏ pháo sáng và tiếng kẻng lanh lảnh được làm từ vỏ bom.
Đặc biệt hơn, từ những vỏ bom tấn như AN.M66 A1, bom tạ như AN.M65, M117, AN.M64… có bán kính gây sát thương hàng km được ông Chức “biến” thành căn nhà bom. Toàn bộ cột chống được xây dựng từ những quả bom chồng lên nhau khiến ai cũng ngỡ ngàng.
Mất vài tháng, căn nhà "bom" cũng được hình thành từ hơn 100 vỏ bom, vỏ đạn pháo, trong không gian của căn nhà là hàng nghìn hiện vật của những năm tháng chiến tranh được ông trưng bày tại đây. Ngay ngã ba đường Hồ Chí Minh rẽ vào Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, căn nhà "bom" trở thành nơi níu giữ ký ức của những cựu chiến binh khi về với đồng đội, về với chiến trường xưa.
Trong căn nhà "bom", những kỷ vật thời chiến được ông Chức giữ gìn cẩn thận, từ các loại ba lô, áo trấn thủ, mũ cối, máy điện đàm… của bộ đội ta đến các vỏ đạn pháo, mìn, bom, thùng đựng đạn… của quân đội Mỹ. Tất cả hiện vật khiến người xem cảm nhận phần nào về một giai đoạn chiến tranh hào hùng, ác liệt và đầy gian khổ của dân tộc.
“Đây là những hiện vật, kỷ vật mà mình đã sưu tầm hơn 20 năm qua. Mình mở cửa tự do để tất cả đều để mọi người đến tham quan, tìm hiểu, đặc biệt thế hệ trẻ có thể thấy và hiểu được những hiện thật thực tế, chiến tranh tàn khốc đến mức nào. Để thế hệ hôm nay và mai sau luôn luôn hiểu được và tri ân những công lao của cha ông ta đã đổ biết bao xương máu cho độc lập của dân tộc”, ông Chức chia sẻ.
Không chỉ thế, cả một khoảng không gian phía sau, một căn hầm chữ A cùng hệ thống giao thông hào, bếp Hoàng Cầm cũng được ông Chức tái hiện lại. Những làn khói từ bếp củi cứ len lỏi rồi tan đi dưới tán rừng khiến không ít du khách ngạc nhiên, thích thú của căn bếp.
Ngay gần đó là hố bom cùng những mảnh bom được ông tái hiện để thấy sự ác liệt của chiến tranh. “Những năm sau giải phóng, hố bom chi chít nhưng giờ thay vào đó là khu dân cư, nhà máy. Thế nên, những hố bom là điều giờ gần như tìm không thấy ở mảnh đất Vĩnh Linh”, ông Chức cười.
Ông Chức chia sẻ thêm, toàn bộ khu vực này vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện với nhiều ý định đang triển khai và cả những dự định ấp ủ. “Công trình như lời tri ân của mình đến công lao to lớn đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự Tổ quốc, vì bình yên của nhân dân. Hi vọng ngày 27/7 đến đây, công trình sẽ chính thức đưa vào hoạt động”, ông Chức nói.
Hi vọng, căn nhà "bom" của lão nông Trần Văn Chức sớm đưa vào hoạt động để những du khách, người dân gần xa hiểu rõ hơn về một ký ức không thể nào quên. Và để những thế hệ trẻ hôm nay và mai sau khi chạm vào những hiện vật sẽ hiểu hơn về khát vọng độc lập, yêu chuộng hòa bình của một dân tộc Việt Nam.