Lật lại hồ sơ bê bối tham nhũng của các tập đoàn dầu khí quốc tế

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên thế giới, không ít vụ bê bối của các tập đoàn dầu khí quốc tế khi được phanh phui đã làm chao đảo cả chính trường.

Tập đoàn Petrobras (Brazil)
Bê bối tham nhũng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petrobras), tập đoàn dầu khí lớn nhất Brazil được xem là một trong những đường dây tham nhũng lớn nhất thế giới. Vụ bê bối tại Petrobras khiến nhiều chính trị gia “ngã ngựa” và như đòn chí tử, đặt dấu chấm hết đối với nữ Tổng thống Dilma Rousseff.
Bê bối ở Petrobras là một trong những vụ tham nhũng dầu khí lớn trên thế giới.
Trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2014, Petrobras đã dính líu vào một mạng lưới tham nhũng khổng lồ. Tổng số tiền hối lộ và lót tay giữa các cá nhân và tổ chức có thể lên đến gần 5,3 tỷ USD. Lãnh đạo các công ty xây dựng trong và ngoài Brazil đã bí mật tạo lập một mạng lưới chi phối hoạt động đấu thầu cho các hợp đồng của Petrobras.
Mạng lưới này đã buộc tập đoàn Brazil phải trả các khoản tiền vô cùng đắt đỏ. Các doanh nhân này sau đó chuyển một phần lợi nhuận hối lộ cho quan chức của Petrobras và các chính trị gia để giữ cho mạng lưới này không bị bại lộ.
Thế nhưng trong một cuộc điều tra vào năm 2013, cảnh sát Brazil đã khui ra được các hoạt động hối lộ và gian lận đấu thầu khổng lồ này. Xã hội Brazil khi đó đã vô cùng phẫn nộ trước mức độ tham nhũng khủng khiếp của các chính trị gia và giới doanh nhân hàng đầu của đất nước khi nền kinh tế nước này đang chìm trong suy thoái.
 Cựu Tổng thống Dilma Rousseff bị phế truất vì các cáo buộc dính líu đến tham nhũng.
Bê bối tham nhũng của Petrobras đã làm rung chuyển hệ thống chính trị ở Brazil. Cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Petrobras, ít nhất 47 chính trị gia, cựu lãnh đạo Petrobras và nhiều Giám đốc công ty thành viên được xác định có liên quan. Kể cả Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros, Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha đều có trong danh sách tình nghi đã biết về khoản tiền hối lộ của Petrobras trị giá gần 4 tỷ USD trong suốt một thập kỷ qua. Ngay cả cựu Tổng thống Brazil Fernado Collor de Mello (cầm quyền từ năm 1990 - 1992) cũng bị cáo buộc nhận từ 1,05 triệu USD trong tổng số 105 triệu USD tiền hoa hồng mà Petrobras ký với công ty BR Distribuidora. Thống đốc bang Rio de Janeiro Luiz Fernado Pezo, người tiền nhiệm của ông, GS Sergio Cabral và Thống đốc bang Acre Tiao Viana cũng bị điều tra.
Cũng do dính líu đến Petrobras, cựu Tổng thống Rousseff đã bị phế truất vào tháng 8 năm ngoái, chỉ vài ngày sau Thế vận hội Rio. Trong khi đó, ông Michel Temer - tổng thống thứ 37 của Brazil thay cho bà Dilma Rousseff  từ ngày 31/8/2016, dù ra sức tuyên bố sẽ quét sạch nạn tham nhũng tại Brazil nhưng chính ông lại tiếp tục bị cáo buộc tham nhũng. Kể từ khi nhậm chức, ông Temer đã mất 3 bộ trưởng vì các cáo buộc tham nhũng.
Tập đoàn Dầu khí Shell (Anh - Hà Lan)
Gã khổng lồ dầu khí Shell được cho có hành vi tham nhũng trong hoạt động kinh doanh tại Nigeria, đặc biệt là đối với hợp đồng mua bán mỏ dầu mang mã số OPL-245 ở quốc gia Tây Phi này. 
 Tập đoàn dầu khí Shell vướng vào bê bối tham nhũng khi mua quyền khai thác mỏ tại Nigeria.
Truyền thông quốc tế đưa tin về các bằng chứng cho thấy, một số lãnh đạo đứng đầu Hãng Dầu khí Shell biết về khoản tiền trả cho chính phủ Nigeria trong việc mua quyền khai thác mỏ dầu OPL 245 sẽ được chuyển cho một "chuyên gia" rửa tiền. Đây cũng là lý do để tin rằng, tiền đã được sử dụng để trả hối lộ cho các chính trị gia.
Thỏa thuận mua bán mỏ dầu mang mã số OPL 245 ở Nigeria được ký kết trong khi Shell đang hoạt động dưới lệnh quản chế trong một vụ tham nhũng khác tại nước này. Tuy nhiên, Shell cho rằng, các cán bộ nhân viên của mình không hành động bất hợp pháp.
Đứng giữa Shell trong hợp đồng mua bán này là ông Dan Etete - cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria - người từng bị buộc tội rửa tiền trong một vụ việc khác.
Tháng 3/2010, nội dung một email từ cựu nhân viên MI6 làm việc cho Shell cho thấy, phía công ty tin rằng ông Etete đã được hưởng lợi từ hợp đồng. Các bằng chứng cũng cho thấy, khả năng hàng trăm triệu rơi vào túi của các chính trị gia Nigeria, trong đó có cựu Tổng thống Goodluck Jonathan.
Cuộc tranh luận xung quanh thỏa thuận này đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan thực thi pháp luật ở Italia và Hà Lan. Tòa án tại Italia hiện đang xem xét có tiến hành thủ tục tố tụng hình sự với Shell hay không.
Quốc gia ở Lục địa đen vốn được biết đến với tình trạng tham nhũng đáng báo động. Nhiều người thừa nhận, rất khó để khai thác dầu ở đây mà không mua quyền khai thác thông qua các khoản thanh toán bất hợp pháp cho các chính trị gia.
Petroecuador (Ecuador)
Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã bắt đầu cuộc truy lùng cựu Bộ trưởng Ecuador và cũng là người đứng đầu công ty dầu mỏ quốc gia, trong một vụ bê bối tham nhũng đe doạ đến vận mệnh tầng lớp lãnh đạo tinh hoa.
Petroecuador đi vào vết xe đổ của Petrobras.
Ngày 3/11/2016, Interpol đã ban hành lệnh bắt giữ ông Jorge Pareja Yannuzzelli, người đã trốn khỏi Ecuador vào tháng 9/2016. Ông Pareja là nguyên Bộ trưởng Dầu mỏ Ecuador thời gian từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016 và là người đứng đầu công ty dầu khí quốc doanh Petroecuador cùng các cộng sự đã bị buộc tội hối lộ, theo truyền thông địa phương
Ông Pareja và các cộng sự buộc tội nhận hối lộ để đổi lấy hợp đồng của Petroecuador và sau đó chuyển tiền ra các tài khoản nước ngoài ở Panama. Theo các công tố viên, trong thời gian làm Bộ trưởng, ông Pareja đã giữ trong tài khoản của mình ở nước ngoài khoảng 1 triệu USD.
Tổng thống Rafael Correa lên án vụ này là "hành vi tham nhũng nghiêm trọng nhất" được thấy trong gần một thập niên cầm quyền của ông.
Nghiêm trọng hơn, vụ việc này mới chỉ là “phần nổi của tảng băng” tham nhũng tại tập đoàn dầu khí Petroecuador.
Nguyên Bộ trưởng Dầu mỏ Pareja - một trong những mắt xích của vụ tham nhũng ở Petroecuador.

Mạng lưới phức tạp của các tài khoản ở nước ngoài liên quan đến những người được điều tra đã hé lộ hoạt động tội phạm tinh vi hơn rất nhiều nhằm tận dụng lợi nhuận bất hợp pháp từ tập đoàn dầu khí này bằng nhiều cách.
Ngoài ra, các cuộc điều tra của tạp chí điện tử Focus Ecuador đã đặt ra những nghi vấn về việc cải tạo nhà máy lọc Petroecuador ở Esmeraldas khi công trình xây dựng này đã vượt ngân sách 1 tỷ USD
Cuộc điều tra ở Ecuador mang dáng dấp sự kiện với tập đoàn Petrobras ở Brazil. Cựu Bộ trưởng Dầu khí Pareja chỉ là một trong những mắt xích trong đường dây tham nhũng và dường như những người có chức vụ cao hơn trong lĩnh vực dầu khí đã không ngăn chặn đường dây này.
Thực tế, những gợi ý cho người có thể bị nghi ngờ tiếp theo đã xuất hiện. Vào đầu tháng 11, tờ Panamian La Estrella đưa tin, chính quyền Ecuador đang nắm một bản báo cáo trong đó cáo buộc Phó Tổng thống Jorge Glas, liên quan đến các hành vi rửa tiền.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần