Tham dự cùng Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên; thành viên Đoàn giám sát và các chuyên gia.
Ủy quyền 48 thủ tục hành chính thuộc ngành Nội vụ
Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu, trong giai đoạn 2016-2020, công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử của cơ quan Sở Nội vụ đã được triển khai toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC có nhiều đổi mới, mang lại kết quả tích cực. Tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn toàn Sở đạt trên 98%. Chỉ số SIPAS năm 2021 của Sở đứng thứ 2/20 Sở, cơ quan tương đương Sở; năm 2022 đứng thứ 4/22 Sở, cơ quan tương đương Sở.
Bên cạnh đó, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản của ngành, lĩnh vực được quan tâm, kịp thời tham mưu thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Nội vụ để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước. Công tác rà soát, chuẩn hóa các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) 3 cấp thuộc lĩnh vực Nội vụ được quan tâm; việc tham mưu trình công bố TTHC lĩnh vực Nội vụ được thực hiện kịp thời...
Cụ thể, Sở đã tham mưu trình UBND thành phố ban hành Quyết định về công bố các TTHC thuộc lĩnh vực Nội vụ và kịp thời tham mưu ban hành Quyết định công bố các quy trình TTHC nội bộ. Từ năm 2021 đến nay, Sở đã tham mưu UBND thành phố công bố đối với 102 TTHC thuộc ngành Nội vụ và các quy trình nội bộ giải quyết TTHC. Tính đến nay, đã có tổng số 152 TTHC ngành Nội vụ, trong đó 96 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 41 TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện; 15 TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã.
Từ tháng 8/2022, căn cứ chỉ đạo Thành phố, Sở đã thực hiện rà soát và tham mưu phương án ủy quyền trong giải quyết TTHC của ngành Nội vụ đối với 48 TTHC (đạt tỷ lệ ủy quyền 53%). Đồng thời, tham mưu UBND thành phố ban hành các Quyết định công bố TTHC, Quyết định ban hành Quy trình nội bộ đối với các TTHC ủy quyền.
Sở đã cơ bản đảm bảo hoạt động của hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đạt chỉ tiêu 100% công chức, viên chức của Sở được trang bị máy tính. Đồng thời Sở kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực nhiệm vụ được giao về chuyển đổi số, xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và thành phố thông minh, phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cải cách hành chính phải đi đôi với kỷ luật, kỷ cương hành chính
Đối với công tác tham mưu công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC, theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu, Sở đã tham mưu thành lập Tổ Công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số CCHC cấp tỉnh và Chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; thành lập Ban Chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số thành phố Hà Nội.
Trong công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát Sở đã tham mưu thành phố đổi mới phương pháp theo dõi, kiểm tra CCHC, nhằm kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC; trong đó phương thức kiểm tra kết hợp kiểm tra định kỳ với kiểm tra đột xuất không báo trước. Hằng năm, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Kiểm tra công vụ và Quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố. Từ năm 2021 đến hết quý I năm 2023, Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố đã thực hiện 123 cuộc kiểm tra công vụ các loại.
Đồng thời, Sở cũng tham mưu UBND Thành phố tập trung chỉ đạo đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc thành phố đồng bộ, thông suốt và liên tục, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố...
Sở Nội vụ kiến nghị các Bộ, ngành sớm ban hành văn bản hướng dẫn vị trí việc làm của các sở, ngành và đơn vị sự nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; Đề nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn Kho lưu trữ điện tử làm cơ sở để các tỉnh, thành phố triển khai xây dựng kho lưu trữ tài liệu hành chính số.
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã nêu một số vấn đề cần làm rõ thêm như: số văn bản mà Sở đã tham mưu cho UBND thành phố về CCHC, chính sách thu hút người tài giỏi vào làm việc tại cơ quan nhà nước. Trong số các TTHC chậm giải quyết cần chỉ rõ thủ tục nào chậm, nguyên nhân và trách nhiệm. Qua kiểm tra công vụ ở các cơ quan nhà nước trên địa bàn có tồn tại vướng mắc gì...
Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, công tác CCHC được thành phố hết sức quan tâm, HĐND Thành phố đã có nghị quyết, do đó công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số phải được quan tâm, đổi mới, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân.
Nhấn mạnh sau giám sát phải đạt được hiệu quả, chuyển biến đối với lĩnh vực này, Trưởng Đoàn giám sát yêu cầu Sở Nội vụ tiếp thu ý kiến thành viên đoàn giám sát, bổ sung các nội dung đánh giá kết quả đạt được, làm rõ nguyên nhân của tồn tại hạn chế và đưa ra giải pháp trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành không chủ quan trước kết quả đạt được mà phải lấy đó làm nền tảng để tiếp tục quan tâm, chú trọng, đưa ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn. Trong đó, thời gian tới, Sở Nội vụ cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về vai trò quan trọng của công tác CCHC. Đồng thời, tăng cường tham mưu về công tác CCHC của toàn Thành phố, rà soát liên thông, đề xuất các giải pháp đồng bộ theo xu hướng phát triển của Thành phố.
Đặc biệt, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu phải tăng cường kiểm tra công vụ, để CCHC phải đi đôi với kỷ luật, kỷ cương hành chính; người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt trách nhiệm.