Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Tass của Nga hôm 16/7, chuyên gia tài nguyên và hàng hóa Dmitry Marinchenko cho biết: “Cảnh báo mới nhất về việc áp đặt lệnh trừng phạt từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra hôm thứ Tư sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, ông Marinchenko cũng thừa nhận các biện pháp trừng phạt mới nếu Mỹ áp đặt trong thời gian tới có thể gây thêm khó khăn đối với việc hoàn thiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga sang Đức.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 15/7 cảnh báo về khả năng áp đặt biện pháp trừng phạt đối với những công ty có liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và đường ống thứ hai của dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện nhánh thứ hai của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng xong, nhưng phần hạ tầng để tiếp nhận khí đốt chưa hoàn thành. Quá trình hoàn thiện phần tuyến đường ống tiếp nhận đang được tiến hành tại các quốc gia sẽ nhập khẩu khí đốt qua tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, gồm Bulgaria, Serbia và Hungary.
"Trên thực tế, phần xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nhận khí đốt không nằm trong dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy nhiều khả năng nó sẽ không chịu tác động từ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Bên cạnh đó, Nga có mối quan hệ chính trị mang tính tính xây dựng với những nước này, điều này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhánh đường ống thứ hai sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động bất chấp lệnh trừng phạt” - chuyên gia Marinchenko lưu ý thêm.
Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, gồm 2 tuyến đường ống, mỗi nhánh có khả năng vận chuyển 15,75 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia châu Âu. Tuyến đường ống đầu tiên đã đưa vào vận hành dành cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi tuyến đường ống thứ hai sẽ cung cấp khí đốt cho các quốc gia nam và đông nam châu Âu. Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom đánh giá Hy Lạp, Italia, Bulgaria, Serbia và Hungary là những thị trường xuất khẩu khí đốt tiềm năng.
Liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, chuyên gia của Fitch nói rằng lệnh trừng phạt của Mỹ gây khó khăn, song Nga có đủ khả năng về kỹ thuật để hoàn thành phần dang dở của dự án khí đốt này. Ông nói thêm rằng những khó khăn này chắc chắn sẽ được giải quyết. "Điều quan trọng là Đức tiếp tục công khai ủng hộ Dòng chảy Phương Bắc 2. Dự án vẫn còn cơ hội đểhoàn thành vào cuối năm nay", ông Marinchenko nói thêm.
Trước đó, Nga và Đức đã lên tiếng phản đối cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 15/7 về khả năng áp đặt biện pháp trừng phạt đối với những công ty có liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và đường ống thứ hai của Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, đây là sức ép quá đáng với hoạt động thương mại của châu Âu và là hành động cạnh tranh không công bằng.
Bên cạnh đó, người phát ngôn Peskov cho hay: "Hành động đó sẽ tiếp tục gây ra những diễn biến tiêu cực, tiếp tục duy trì giới hạn thái quá đối với việc áp đặt nhiều hạn chế, sức ép quá đáng với hoạt động thương mại của châu Âu mà các công ty Nga cũng tham gia", cũng như "tiếp tục cuộc cạnh tranh không công bằng" trong một âm mưu "buộc những người châu Âu mua khí đốt đắt hơn với những điều khoản ít có lợi hơn".
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bác bỏ những đe dọa áp đặt biện pháp trừng phạt mới đây của Mỹ đối với dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga tới Đức hay còn gọi là Dòng chảy Phương Bắc 2.
Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức, Ngoại trưởng Mass khẳng định: "Chính sách năng lượng châu Âu được thực hiện ở châu Âu", việc Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty ở châu Âu tham gia dự án "Dòng chảy Phương Bắc 2" là xem nhẹ quyền và chủ quyền của châu Âu. Berlin bác bỏ mọi biện pháp trừng phạt bên ngoài lãnh thổ.
Trong những tuần gần đây, Berlin đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán với Washington khi Chính phủ của Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch siết chặt đạo luật trừng phạt nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2, ông Mass cho biết.
Dự án trị giá 11 tỷ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell). Dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.
Hiện Dòng chảy Phương Bắc 2 đã thực hiện được 93% phần tuyến đường ống, song đang phải tạm dừng từ tháng 12/2019 sau khi công ty đặt đường ống Allseas có trụ sở tại Thụy Sĩ không tiếp tục thi công do lệnh trừng phạt của Mỹ.