Mặc dù có thể ghi nhận tuần giảm giá đầu tiên trong vòng 5 tuần gần đây, giá dầu dự kiến sẽ chứng kiến tháng tăng mạnh nhất, chủ yếu nhờ nỗ lực cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất dầu chủ chốt.
Giá “vàng đen” sụt nhẹ trong phiên giao dịch ngày 29/5, sau khi dữ liệu tồn kho dầu của Mỹ cho thấy nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới sụt mạnh, trong khi thị trường chịu tác động từ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cụ thể, giá dầu Brent sụt 43 xu Mỹ, tương đương 1,2%, xuống 34,86 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 57 xu Mỹ, tương đương 1,7%, về mức 33,14 USD/thùng.
Tâm lý của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị trong phiên giao dịch này. Tuy nhiên, triển vọng về nguồn cung - cầu trong ngắn hạn giúp giá dầu di lên vẫn rất cao” - chuyên gia kinh tế Howie Lee của OCBC nhận xét.
Cả hai mặt hàng dầu chủ chốt đang trên đà đạt tháng tăng lớn nhất trong nhiều năm. Các nhà phân tích dầu mỏ cho rằng thị trường năng lượng giao dịch khởi sắc trong tháng này chủ yếu nhờ việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, gọi là OPEC+, cũng như tâm lý lạc quan khi nhu cầu dầu mỏ dần phục hồi.
Tính chung trong tháng 5, giá dầu ngọt nhẹ WTI dự kiến leo dốc tới 76%, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ trước đến nay. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng cộng 38%, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 3/1999.
Các thương nhân sẽ hướng sự chú ý đến cuộc họp về chính sách sản lượng của nhóm OPEC+, dự kiến diễn ra từ ngày 9-10/6 tới.
Ả Rập Saudi và một số thành viên OPEC muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày vào tháng 6, nhưng hiện vẫn chưa chắc chắc giành được sự ủng hộ từ Nga.
Một số chuyên gia bày tỏ sự lo ngại rằng đà tăng mạnh của giá dầu có thể là lực đẩy khiến một số nhà sản xuất lớn tái khởi động hoạt động khai thác, điều này có nguy cơ phá hủy sự hồi phục ổn định của thị trường năng lượng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại tập đoàn DWS, nói rằng đà phục hồi của giá dầu dẫn tới các nhà sản xuất năng lượng Mỹ đẩy mạnh hoạt động khai thác, điều này dẫn tới khả năng các nước trong OPEC+ có thể từ bỏ cam kết cắt giảm sản lượng để giành thị phần.
Theo các chuyên gia tại ngân hàng ING (Hà Lan), các yếu tố cơ bản trên thị trường đang được cải thiện, song giá dầu mỏ đang hồi phục quá nhanh quá sớm, với nguy cơ đà tăng mạnh hơn sẽ chỉ kéo dài sự mất cân bằng cung và cầu.
Với các nhà sản xuất dầu mỏ tại Mỹ, việc cắt giảm sản lượng không bị ràng buộc theo cam kết trong thỏa thuận của OPEC+ như Nga và Ả Rập Saudi. Các công ty dầu Mỹ cắt giảm là do tình hình kinh tế không thuận lợi, khả năng tiếp nhận dầu tại các kho chứa vẫn hạn chế, nhu cầu còn ở mức thấp.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của nước này hiện đã giảm 1,6 triệu thùng/ngày so với mức cao nhất trong tháng 3. Trong khi đó, người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại TP Dallas, ông Robert Kaplan hôm 29/5 dự báo tình trạng dư thừa dầu toàn cầu sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2021 hoặc lâu hơn nữa nếu kinh tế phục hồi yếu hơn dự kiến do dịch Covid-19
Các tác động kinh tế của dịch bệnh, các biện pháp phong tỏa đi lại và tình trạng thất nghiệp diện rộng đã góp phần khiến dầu mất giá 45% kể từ đầu năm, xuống mức thấp hơn cả chi phí sản xuất.