Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Leo thang căng thẳng về bản quyền báo chí giữa Facebook và Australia

Nguyễn Phương (TH)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã có tín hiệu mới tích cực hơn song cuộc đối đầu giữa Chính phủ Australia và Facebook xung quanh vấn đề bản quyền tin tức trên mạng xã hội vẫn chưa đi đến hồi kết.

Facebook và Chính phủ Australia hiện đang trong quá trình “thảo luận lại”, nhưng vẫn chưa có bước đi mới liên quan đến việc mạng xã hội lớn nhất thế giới hôm 17/2 quyết định chặn tất cả các tin tức do người sử dụng và các cơ quan báo chí tại Australia chia sẻ nhằm phản đối dự luật mới của Canberra.
Facebook hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Australia.
Dự luật mới của Australia
Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) đã nỗ lực thúc đẩy dự luật Đàm phán Truyền thông Tin tức suốt 3 năm qua trong bối cảnh Australia đang tìm cách thực hiện những biện pháp mạnh tay hơn đối với các công ty công nghệ lớn.
Dự luật được đề xuất yêu cầu những công ty công nghệ như Facebook và Google trả tiền trực tiếp cho các nhà xuất bản của Australia khi họ đăng tải tin tức hoặc liên kết đến website của họ, trước khi thay đổi thuật toán các công ty này cần phải thông báo cho nhà xuất bản 28 ngày. 
Theo dự luật, Facebook hoặc Google phải đàm phán giá cả của nội dung tin tức với các nhà xuất bản trong vòng 3 tháng, hoặc là họ sẽ bị buộc phải tham gia vào một quy trình phân xử mà ở đó một ủy ban do Chính phủ Australia thành lập sẽ xem xét ý kiến của mỗi bên, sau đó đưa ra quyết định phù hợp.
Dự luật đã được Hạ viện Australia thông qua trong tuần này và đang được trình lên Thượng viện. Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa chính phủ và các công ty công nghệ vẫn đang diễn ra.
Dư luận “dậy sóng” khi Facebook chặn tin tức tại Australia
Để phản đối dự luật của Australia, hôm 17/2, Facebook thông báo hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Australia. Chỉ trong một đêm, Facebook đã xóa toàn bộ nguồn cung cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông của Australia. 
Thủ tướng  Scott Morrison mô tả động thái của Facebook ngăn người dùng tại Australia truy cập và chia sẻ tin tức là một mối đe dọa. 
Một số dịch vụ khẩn cấp của Australia ngày 18/2 thông báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau lệnh cấm của Facebook. Đến chiều cùng ngày, Facebook đã khôi phục các trang dịch vụ của Chính phủ, song vẫn còn các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng. Điều này đã dẫn đến nhiều lời kêu gọi người dùng xóa bỏ ứng dụng này.
Phía Facebook cho rằng, dự luật này là sự hiểu lầm căn bản về mối quan hệ giữa nền tảng này với các cơ quan báo chí. Facebook cũng tái khẳng định những lợi ích mà công ty thu được từ việc các cơ quan báo chí chia sẻ tin tức chỉ chiếm khoảng 4% so với những gì mà mọi người nhìn thấy trên bảng tin.
Quyết định của Facebook được đưa ra khi Chính phủ Australia quyết tâm thúc đẩy việc ban hành Bộ quy tắc thương lượng truyền thông nhằm buộc các công ty công nghệ trả tiền cho nội dung tin tức xuất hiện trên các nền tảng số.
Ông Campbell Brown - người đứng đầu bộ phận phụ trách mối quan hệ của Facebook với các đối tác tin tức cho rằng, biện pháp trên của Australia không nhận thức được bản chất của mối quan hệ giữa nền tảng của Facebook và các nhà phát hành tin tức.
Theo ông Brown, ngược lại với ý kiến của nhiều người, Facebook không đánh cắp các nội dung tin tức, mà chính các nhà phát hành đã lựa chọn chia sẻ thông tin trên Facebook. Từ việc tìm kiếm độc giả và người theo dõi đến tạo ra doanh thu, các cơ quan báo chí sẽ không dùng Facebook nếu nền tảng này không giúp gì được cho lợi nhuận của họ.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bày tỏ thất vọng trước việc Facebook hạn chế chia sẻ  thông tin thiết yếu về các dịch vụ y tế và khẩn cấp của nước này. Ông Morrison lưu ý rằng những hành động của Facebook sẽ chỉ xác nhận mối quan ngại của ngày càng nhiều nước về việc các công ty công nghệ lớn cho rằng mình có quyền hạn cao hơn Chính phủ và các quy định không áp dụng với họ.
Phát biểu với báo giới hôm 19/2, Thủ tướng Morrison mô tả động thái của Facebook ngăn người dùng tại Australia truy cập và chia sẻ tin tức là một mối đe dọa và làm "leo thang cuộc chiến". Nhà lãnh đạo Australia cũng đã thảo luận tình hình hiện nay với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Ông Julian Knight - Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh nhận xét: "Việc Facebook chặn chia sẻ tin tức tại Australia là một hành động vô trách nhiệm. Nền tảng này cần nhanh chóng có động thái thay đổi nếu không muốn đối mặt với sự giận giữ của các nhà lập pháp toàn cầu".
Nhà nghiên cứu và giảng viên Chris Moos tại trường Said Business School thuộc Đại học Oxford, cho rằng mâu thuẫn ở Australia xoay quanh việc tái đàm phán một mối quan hệ đã căng thẳng suốt nhiều năm.
Theo ông Moos, dù Facebook có vẻ như đang có lợi thế, nhưng mạng xã hội lớn nhất thế giới này sẽ đánh mất sự hấp dẫn của mình nếu không có các nội dung tin tức chuyên nghiệp. Chuyên gia Moos cho rằng các cơ quan báo chí và Facebook đều cần đến nhau, hai bên đều có động lực để hợp tác đi đến đồng thuận.
Nhiều nước đã chỉ trích mạnh mẽ sau khi Facebook tuyên bố không cho phép người dùng Australia chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức nhằm phản đối dự luật mới ở nước này. Quyết định của Facebook đã khiến hơn 17 triệu người dùng ở Australia đã không đọc được hay chia sẻ tin tức từ các trang của các tờ báo địa phương trên nền tảng này.