70 năm giải phóng Thủ đô

LHQ kêu gọi mở rộng ngân hàng gen cây lương thực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 11/3, tại Hội nghị các Bộ trưởng Nông nghiệp hơn 100 nước đang diễn ra ở Bali (Indonesia), Liên hợp quốc kêu gọi các nước mở rộng ngân hàng gen cây lương thực và nông nghiệp theo Hiệp ước quốc tế về nguồn gen các loại cây này (ITGFA

KTĐT - Ngày 11/3, tại Hội nghị các Bộ trưởng Nông nghiệp hơn 100 nước đang diễn ra ở Bali (Indonesia), Liên hợp quốc kêu gọi các nước mở rộng ngân hàng gen cây lương thực và nông nghiệp theo Hiệp ước quốc tế về nguồn gen các loại cây này (ITGFA), đồng thời tăng cường chia sẻ nguồn gen để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Thư ký chấp hành Hiệp ước Shakeel Bhatti nhấn mạnh càng nhiều cây lương thực và nông nghiệp được bảo vệ nguồn gen, nhân loại càng bảo tồn và chia sẻ lợi ích từ các nguồn gen này hiệu quả hơn để vượt qua các thách thức ngày càng gay gắt về an ninh lương thực cho các thế hệ hiện nay và tương lai. Ông Bhatti kêu gọi các nước chưa ký hoặc chưa phê chuẩn Hiệp ước cần đẩy nhanh tiến trình này.

Liên hợp quốc kêu gọi các nguồn đầu tư mới lớn hơn để mở rộng quy mô bảo tồn các nguồn gen quý cũng như các hoạt động chia sẻ lợi ích từ sử dụng các nguồn gen được bảo tồn. Các nhà khoa học quốc tế cũng đã khẳng định để đảm bảo an ninh lương thực, nông nghiệp và môi trường cần luôn song hành.

Biến đổi khí hậu đã tạo ra các nguy cơ nghiêm trọng đối với các nguồn gen hiện đã được coi là nguyên vật liệu để tạo ra các loại cây lương thực và nông nghiệp mới có năng suất cao và các đặc điểm ưu việt khác thích nghi tốt hơn với các biến đổi khí hậu.

Cho đến nay, hệ thống đa phương trong khuôn khổ ITGFA đã lập được ngân hàng gen gồm 1,3 triệu mẫu gen của 64 loại cây lương thực và nông nghiệp trên toàn cầu, theo đó nông dân đã được hưởng lợi từ việc chia sẻ nguồn gen quý báu từ các giống cây của quê hương họ.

Quỹ chia sẻ lợi ích nguồn gen được xây dựng trong khuôn khổ Hiệp ước đã hỗ trợ tích cực nông dân nghèo ở các nước đang phát triển trong việc làm thích nghi cây trồng truyền thống của họ với môi trường đang thay đổi.

Hiệp ước ITGFA có hiệu lực từ năm 2004 và hiện đã được 127 nước ký và phê chuẩn. Hệ thống đa phương trong khuôn khổ Hiệp ước đã chia sẻ vật liệu gen của 80% loại cây lương thực và nông nghiệp quan trọng nhất đối với an ninh lương thực trên toàn cầu./.