Liên Hợp quốc: Myanmar trước nguy cơ trở thành nước "siêu lây nhiễm" Covid-19

Cẩm Anh (Theo The Guardian)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Myanmar đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất, bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc do chính biến hồi tháng 2/2021. Chương trình tiêm chủng và xét nghiệm bị đình trệ trong khi các bệnh viện công hầu như không hoạt động.

Theo Tom Andrews - Đặc phái viên Liên Hợp quốc (LHQ) về tình hình Myanmar, các bác sĩ - những người đi đầu trong cuộc đình công chống chế độ quân sự và từ chối làm việc trong các bệnh viện công - đã buộc phải điều trị bí mật cho bệnh nhân vì luôn phải đối mặt với mối đe dọa bạo lực hoặc bắt giữ.
Tình hình thiếu thuốc men, bình oxy và nhiều cơ sở vật chất y tế khác tại Myanmar đang diễn biến nghiêm trọng. Ảnh: The Guardian
Theo Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, quốc gia này ghi nhận 4.629 ca tử vong do Covid-19 kể từ ngày 1/6. Tuy nhiên, số liệu này được cho là thấp hơn so với thực tế. Các phương tiện truyền thông do quân đội kiểm soát hôm 27/7 cho biết, 10 lò hỏa táng sẽ được xây dựng tại các nghĩa trang ở Yangon, TP lớn nhất của Myanmar, để đối phó với số ca tử vong gia tăng.
Tình trạng thiếu bình oxy, thiết bị y tế và thuốc men nghiêm trọng ở các thành phố trên khắp đất nước. Bên ngoài các ngôi nhà, người dân treo cờ vàng và trắng để báo hiệu rằng họ cần thực phẩm hoặc thuốc men, trong khi mạng xã hội tràn ngập những lời cầu cứu và thông báo tử vong vì dịch bệnh.
Đặc phái viên Andrews cảnh báo, các chính phủ quốc tế, bao gồm cả các nước láng giềng với Myanmar, cần phải hành động nhanh chóng để ngăn bùng dịch mất kiểm soát ở khu vực biên giới. “Đây là khu vực dễ bị ảnh hưởng hơn cả và Myanmar có thể trở thành một quốc gia siêu lây nhiễm”.
Ông Andrews nhận định, khoảng 1/3 dân số thế giới sống ở các nước láng giềng Myanmar, bao gồm cả các quốc gia đông dân như Trung Quốc và Nga.
Vào tháng 2/2021, Hội đồng An ninh LHQ đã thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở tất cả khu vực đang xảy ra xung đột, để các nhân viên y tế có thể cung cấp vaccine phòng Covid-19 một cách an toàn. Theo ông Andrews, LHQ nên tái khẳng định nghị quyết liên quan đến cuộc khủng hoảng Myanmar. Điều này có thể giúp mở đường cho các cơ quan quốc tế hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần