Các nhà ngoại giao hôm 29/12 khẳng định, các nước thuộc Liên minh Châu Âu đang hướng tới một thỏa thuận trong tuần này về mức giá trần đối với dầu của Nga.
Mức giá trần dự kiến, cùng với một gói các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow được đưa ra nhằm phản ứng với cuộc tấn công tại Ukraine.
Hạn chót cho một thỏa thuận là ngày 5/12 - cùng thời điểm khi lệnh cấm vận hoàn toàn của EU đối với việc mua dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, đã được thống nhất vào cuối tháng 5, có hiệu lực.
Việc đặt ra giới hạn trần giá do Nhóm bảy quốc gia (G7) đề xuất, được cho là sẽ thay thế kế hoạch cứng rắn hơn của EU để bảo vệ nguồn cung toàn cầu và ngăn chặn sự tăng giá, nhưng hiện vẫn còn khác biệt giữa 27 quốc gia EU về mức độ áp trần.
Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của EU tham gia vào đàm phán cho biết: “Các cuộc tham vấn đã diễn ra từ thứ 4 tuần trước và chúng tôi đang tiến tới một thỏa thuận, chúng tôi ngày càng tiến gần hơn”.
Ngày 23/11, đại diện của các chính phủ EU lần đầu tiên tranh luận về mức trần giá theo tiêu chí vẫn khuyến khích Moscow xuất khẩu, nhưng với lợi nhuận thấp hơn.
Đề xuất của G7 là mức giá trần trong khoảng 65-70 USD/thùng - mức mà các nhà ngoại giao cho biết đã được ấn định vào tháng 9 khi dầu của Nga giao dịch ở mức 68-76 USD/thùng trên thị trường.
Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao thứ hai cho biết: “Ý tưởng là mức trần thấp hơn khoảng 5% so với giá thị trường sẽ vẫn thúc đẩy Nga bán ra trong khi giảm doanh thu của họ”. "Nhưng kể từ đó, giá liên tục giảm và hiện ở dưới mức giới hạn, vì vậy mức đó không đạt được mục tiêu nào,” ông nói.
Do đó, Ba Lan, Litva và Estonia đã từ chối đề xuất của G7 cho rằng mức trần phải gần với chi phí sản xuất của Nga, ước tính khoảng 20-25 USD/thùng. Ba quốc gia, tất cả đều có biên giới với Nga, ủng hộ mức giá trần ở 30 USD/thùng.