Liên minh vùng Vịnh "tẩy chay" Qatar, giá dầu "nhảy múa"

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ả Rập Saudi, Ai Cập, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Yemen đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, khiến giá dầu biến động.

Liên minh các nước vùng Vịnh nhất trí cho rằng, Qatar hỗ trợ các tổ chức khủng bố cực đoan, và kết thúc quan hệ ngoại giao là cách để họ "tự vệ".

Nguyên nhân sâu xa

Vụ việc cho thấy sự chia rẽ lớn giữa các quốc gia vùng Vịnh, vốn là những đồng minh thân thiết của Mỹ. Qatar bị những nước trên cho là đã "hậu thuẫn" các tổ chức, thành phần khủng bố, cực đoan, nhưng thực tế vụ việc bắt đầu căng thẳng khi Tiểu vương Tamim bin Hamad al-Thani của Qatar có phát biểu chỉ trích một số lãnh đạo ở vùng Vịnh và kêu gọi giảm căng thẳng với Iran. 

Iran và Ả Rập Saudi vốn ở thế đối địch và từng xảy ra xung đột. Hồi năm 2016, một vụ tấn công mạng chính quyền tại Ả Rập Saudi bị nghi ngờ do Iran thực hiện đã đẩy cao căng thẳng giữa hai nước. Vì vậy, phát ngôn của người trị vì Qatar đã "đổ thêm dầu vào lửa", khiến các nước vùng Vịnh nổi giận. Nhiều chuyên gia nhận định, việc Qatar bị đem ra "trừng trị" không chỉ là vấn đề của Doha, mà còn là lời cảnh cáo gửi tới Tehran.

 Việc các nước "tẩy chay" Qatar đã khiến giá dầu biến động.

Giá dầu "nhảy múa"

Giá dầu đã tăng mạnh sau động thái trên của Liên minh các nước vùng Vịnh. Giá dầu thô Brent phiên giao dịch ngày 5/6 tại thị trường London có thời điểm tăng hơn 1,4%, đạt mức 50,66 USD/thùng. Giá dầu thô WTI tại New York tăng gần 1,5%, đạt 48,35 USD/thùng. Giá khí đốt tại thị trường Mỹ tăng gần 1,4%. Qatar là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới với thu nhập đầu người ở mức hàng đầu toàn cầu và giữ vị trí chủ nhà FIFA World Cup 2022. Bên cạnh đó, bất kỳ xung đột nào tại Trung Đông, khu vực sản xuất dầu mỏ thế giới đều ảnh hưởng đến giá "vàng đen". Đồng thời, những tranh chấp nội bộ các nước vùng Vịnh có thể làm giảm sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này. Thậm chí trước khi chuyến công du của Tổng thống Donald Trump diễn ra, các nhà đầu tư đã dự đoán, căng thẳng giữa Mỹ và Iran dưới thời ông Trump có ảnh hưởng mạnh tới thị trường dầu và tài chính thế giới.

Dù chưa ảnh hưởng ngay tới kim ngạch xuất khẩu dầu của khu vực, vụ bê bối ngoại giao gây lo ngại quá trình sản xuất, vận chuyển dầu ở khu vực Trung Đông, đặc biệt của các nước thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ bị đình trệ. Ba "nhân vật chính" của vụ căng thẳng ngoại giao là Ả Rập Saudi, Iran và Qatar sử dụng chung tuyến đường qua dải Hormuz, nơi ước tính là cửa ngõ của 30% lượng dầu giao thương bằng đường biển trên thế giới. Giá dầu thô Mỹ từng giảm xuống mức dưới 50 USD/thùng do lo ngại thỏa thuận đóng băng sản lượng OPEC mới gia hạn không đủ để nâng giá nhiên liệu quý này. Tuy nhiên, bê bối vùng Vịnh một lần nữa khiến giá dầu thô "nhảy múa" và diễn biến khó lường.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần