Liệu khủng hoảng của Mỹ có là cơ hội cho Ấn Độ?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc hàng loạt công ty công nghệ ở Mỹ sa thải nhân viên được nhìn nhận là cơ hội hiếm có để Ấn Độ phát triển.

Hiện nhiều công ty công nghệ Ấn Độ lo lắng sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ sẽ khiến các công ty công nghệ nước này cắt giảm chi tiêu và thu hẹp dự án ở Ấn Độ. Tuy nhiên, chuyên gia công nghệ kỳ cựu lại nhìn nhận đó là cơ hội tốt cho các công ty của Ấn đi lên.

Narayana Murthy, người sáng lập Infosys, Ấn Độ cho biết: “Suy thoái ở Mỹ hoặc ở các nước phát triển khác chính là cơ hội không thể nào tốt hơn cho các quốc gia như Ấn Độ - những nơi có lợi thế về giá trị đồng nội tệ - đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin”. 

“Tôi xem những việc sa thải như vậy chỉ là lẽ thường của một chu kỳ kinh doanh: có lên, có xuống chứ không phải bao giờ cũng suôn sẻ cả", ông Narayana Murthy trả lời phỏng vấn CNBC.

“Tất nhiên, suy thoái kinh tế cũng ảnh hưởng đôi chút tới thị trường, tuy nhiên chúng tôi hoàn toàn chủ động với việc này. Chúng tôi đang dần cải thiện vị trí trên thị trường cũng như đảm bảo không xảy ra tình trạng mất việc” – ông không khỏi lạc quan.

Niềm tin của ông Murthy hoàn toàn là có cơ sở khi Infosys hiện đang là một trong những công ty về lĩnh vực công nghệ hàng đầu của Ấn Độ với giá trị lên đến hơn 60 tỷ USD. Công ty này đang thuê hơn 346.000 nhân công trên khắp thế giới từ Châu Á-Thái Bình Dương, Châu Âu, Bắc Mỹ cho đến Trung Đông.

Krina Mehta, đồng sáng lập của công ty phát triển phần mềm Fortune Infosys có trụ sở tại Mỹ cho biết nhiều công ty chọn thuê nhân công từ Ấn Độ để phát triển phần mềm vì điều này sẽ giúp đảm bảo chất lượng cũng như chi phí bỏ ra thấp hơn.

Bà cho biết: “Khi hợp tác với các nhà phát triển Ấn Độ, bạn sẽ gặp được các chuyên gia công nghệ thông tin có trình độ tay nghề cao nhưng với mức giá hợp lý hơn so với những gì bạn trả cho phương Tây.

Ấn Độ hiện đang có rất nhiều chuyên gia phần mềm lành nghề hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau: từ các ngành công nghệ cốt lõi như lập trình Python đến các nền tảng công nghệ mới hơn như .NET Core.

Còn công ty phát triển phần mềm Peerbits cho biết nhiều công ty có thể tiết kiệm từ 20% đến 30% chi phí liên quan đến công nghệ bằng cách chuyển sang làm việc tại Ấn Độ.

Ông Murthy cũng không quên nhắc nhở các công ty Mỹ: “Họ nên cân nhắc việc cải thiện năng suất và tự động giảm chi phí nếu muốn tiếp tục phát triển”.

Tương lai rộng mở

Theo ông Murthy, nhà sản xuất iPhone Apple đang có xu hướng chuyển dần sang hoạt động ở Ấn Độ.

Vào năm ngoái, Apple đã bắt đầu lắp ráp chiếc iPhone 14 tại Ấn Độ sau khi quá trình sản xuất tại nhà máy iPhone ở Trịnh Châu, Trung Quốc bị gián đoạn do đại dịch và biểu tình.

Mặc dù cho đến hiện nay Apple chỉ sản xuất khoảng 5% đến 7% tổng số iPhone ở Ấn Độ, nhưng số lượng này đã tăng vọt so với chỉ 1% vào năm 2021. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ cho biết Apple muốn nâng tổng công suất sản xuất iPhone lên đến 25% tại quốc gia này.

Hiện nhiều công ty Mỹ như General Electric và Microsoft đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Ấn Độ.

Trước làn sóng đổ bộ của công ty nước ngoài, Ấn Độ đang đứng trước rất nhiều cơ hội, và chính phủ nước này cũng tạo mọi điều kiện để khơi nguồn sáng tạo cho phát triển đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần