Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liệu Mỹ - Trung có "giằng co" cảng biển chiến lược?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bloomberg dẫn lời nguồn thạo tin cho biết, Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm các nhà thầu nước này cho cảng biển lớn nhất của Israel, nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông, thêm kịch tính cho một thỏa thuận thu hút sự quan tâm từ các đối thủ nặng ký trong khu vực.

Cảng biển Haifa, miền Bắc Israel.

Theo đó, việc Mỹ bày tỏ sự quan tâm đối với một cảng container ở Haifa, trị giá 2 tỷ shekel (586 triệu USD) và sẽ đến hạn mở bán vào cuối tháng 10 này, được cho phần nào xuất phát từ nỗi lo về hoạt động của Trung Quốc đối với một cảng khác ở cùng TP.

Các công ty Mỹ đã từng không đấu thầu một dự án tương tự ở Haifa, mà sau đó Công ty TNHH Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải (SIPG) do nhà nước điều hành đã trúng thầu năm 2015. Hạm đội 6 của Hải quân Hoa Kỳ thỉnh thoảng vẫn cập bến gần cảng do SIPG điều hành, và các quan chức nước này luôn bày tỏ lo ngại về các vấn đề an ninh.

"Nhưng lần này các quan chức Israel được cho đang thực hiện một nỗ lực đặc biệt để cố gắng kéo một công ty Mỹ tham gia" - Dan Catarivas, người phụ trách ngoại thương và quan hệ quốc tế tại Hiệp hội các nhà sản xuất của Israel, nói với Bloomberg.

Trong khi một điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump là khuyến khích các đồng minh tránh đầu tư của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, người Mỹ lần này được cho không muốn bỏ lỡ thêm một cơ sở chiến lược khác tại Israel.

Cho đến nay, chưa có công ty Trung Quốc nào công khai quan tâm đến dự án sắp tới, và Đại sứ quán Trung Quốc tại Tel Aviv cũng không trả lời câu hỏi về bất kỳ ứng viên tiềm năng nào của Trung Quốc. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Đại sứ quán này lưu ý rằng đầu tư của Trung Quốc "không đi kèm với chương trình nghị sự địa chính trị hay mối đe dọa an ninh đối với Israel".

Trong khi Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman gợi ý rằng, sẽ là an toàn hơn cho Israel nếu tiếp nhận đầu tư từ một quốc gia khác ngoài Trung Quốc, chẳng hạn UAE.

"Một số công ty Mỹ được cho đã quan tâm đến việc mở bán, nhưng vẫn còn phải xem liệu điều đó có chuyển thành lời đề nghị thực sự hay không", ông Friedman nói, "và giờ đây, khi Israel đã bình thường hóa quan hệ với UAE, quốc gia vùng Vịnh này cũng có thể là sự thay thế an toàn hơn cho Trung Quốc".

Trên thực tế, nhà khai thác cảng DP World, có trụ sở tại Dubai, đã hợp tác với doanh nhân người Israel Shlomi Fogel để chuẩn bị đề nghị xây dựng cảng. Ngoài ra, Tập đoàn công nghiệp Yildirim Holding AS, có trụ sở tại Istanbul, được cho cũng đang xem xét một gói thầu, bất chấp mối quan hệ ngoại giao căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ với Israel.

Phát ngôn viên của Cơ quan quản lý các công ty chính phủ của Israel - nơi phụ trách thương vụ này cho biết, cơ quan đang làm việc với các đại diện ngoại giao và kinh tế quốc tế, và bất kỳ tổ chức nào đăng ký tham gia đấu thầu sẽ cần có sự chấp thuận của các cơ quan có liên quan của Israel, bao gồm cả các Bộ trưởng.