Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao của Thành ủy Hà Nội trong giải quyết một vấn đề cấp bách đang đặt ra. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giải quyết công việc
Trước đó, Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh: Dư luận bức xúc, lo lắng trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm… Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu.
Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU được phổ biến và quán triệt đến từng chi bộ. Chỉ thị 24-CT/TU nêu 6 nhiệm vụ trong công tác cán bộ, trong đó có nội dung nhiệm vụ xác định rõ chế tài kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc theo tinh thần Chỉ thị.
Cụ thể, Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị TP. Thứ hai, yêu cầu các cấp, các ngành phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hoá, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc.
Hà Nội là địa phương đầu tiên đưa ra khung nhận diện một số biểu hiện trong việc vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, điều đó thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố. Tuy nhiên đây mới là bước đầu trong việc triển khai các nội dung mới, chưa có tiền lệ. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến
Thứ ba, rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cấp, ngành, đơn vị theo nguyên tắc là toàn bộ các nội dung phải được quản lý đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, một việc giao một đơn vị chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định hiện hành của Trung ương và thành phố. Thứ tư, về công tác cán bộ, yêu cầu phải kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ năm, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành các quy định, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan. Thứ sáu, phát động phong trào thi đua về nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, quy chế, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị; đưa kết quả thực hiện Chỉ thị này thành một trong những tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương…
Cùng với việc ban hành Chỉ thị này, còn có văn bản Phụ lục kèm theo gợi ý về nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP bao gồm 12 biểu hiện về vi phạm kỷ cương, kỷ luật; 9 biểu hiện về né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; 4 biểu hiện về trong việc thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người dám đấu tranh, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo. Qua đó, cung cấp cách nhận biết về biểu hiện vi phạm để cán bộ, công chức “tự soi, tự sửa”, tự rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thay đổi để thích ứng với thực tiễn công việc
Là địa phương đầu tiên của TP tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU tới cán bộ chủ chốt của huyện và các xã thị trấn, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, việc nhanh chóng triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU giúp cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện thấy được tính chất quan trọng của việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thay đổi thích ứng với thực tiễn công việc trong tình hình mới.
Theo Bí thư Huyện ủy Đông Anh, Chỉ thị số 24-CT/TU như “liều thuốc kháng sinh” trị bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ va chạm… dẫn đến chất lượng công việc không cao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của huyện. Căn cứ theo Chỉ thị, huyện sẽ kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu; không chủ động, thiếu sáng tạo, dẫn đến kém hiệu quả trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
“Với tinh thần trên, huyện yêu cầu mỗi lãnh đạo, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn phải xây dựng cho mình một chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Chỉ thị theo quy chế hoạt động và chức trách, nhiệm vụ được giao” - ông Lê Trung Kiên chia sẻ.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; thực hiện tốt phương châm các việc cấp bách phải được giải quyết ngay; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, thấu đáo, thông suốt trước khi quyết định; các công việc khác phải được giải quyết bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng...
Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội
Mới đây nhất, ngày 30/8, gần 800 cán bộ chủ chốt quận Long Biên đã tham gia hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch của Quận ủy thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU. Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành 2 kế hoạch về tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU trong Đảng bộ quận.
Bí thư Quận ủy Long Biên yêu cầu cấp ủy các cấp, tập thể lãnh đạo các đơn vị và nhất là cá nhân mỗi người lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quận phường phải thường xuyên rà soát, đối chiếu việc thực hiện chức trách được giao với gợi ý về nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong theo Chỉ thị.
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU phải đạt được yêu cầu “siết chặt được kỷ luật, kỷ cương, nâng cao được trách nhiệm của từng cán bộ, công chức; công việc phải chạy, phải tốt, dân phải được nhờ”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có tính quyết định việc đưa các nội dung của Chỉ thị và nhiệm vụ giải pháp trong Kế hoạch thực sự đi vào cuộc sống đạt hiệu quả, chất lượng. Là thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.
Do đó, cần được các cấp, ngành xác định rõ vị trí, tầm quan trọng, phát huy dân chủ, bàn bạc kỹ lưỡng, đầu tư “trí, lực” và quyết tâm chính trị tương xứng, thể hiện quyết tâm chính trị tương xứng, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.