Theo đó, cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách HSSV, thu tiền đóng BHYT. Đối với HS vào lớp 1 và SV năm thứ nhất, thời hạn ghi trên thẻ là từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của lần cấp trước đến 31/12 năm sau. HS lớp 12 và SV năm cuối, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 1/1 đến ngày cuối cùng của tháng kết thúc năm học đó. BHXH TP yêu cầu các cơ sở giáo dục phải linh hoạt phương thức thu phí để giảm nhẹ gánh nặng đóng góp cho phụ huynh vào đầu năm học. Đối với SV mới nhập học, HS chuyển cấp, mới vào lớp 1 thì thu phí BHYT những tháng còn lại của năm 2017, thời hạn sử dụng thẻ ghi tương ứng với số tiền nộp. Những HSSV đã thu BHYT theo năm tài chính, thì tiếp tục thu vào cuối năm 2017. Nhà trường có thể thu BHYT 6 tháng hoặc 12 tháng/lần, nộp vào quỹ BHYT; chỉ thu phí BHYT 12 tháng/lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Thời gian ghi trên thẻ tương ứng với số tiền nộp.
Được biết, với mức lương cơ sở hiện hành, một thẻ BHYT HSSV có mức tiền đóng là 702.000 đồng, trong đó: HSSV đóng 70% (tương đương 491.400 đồng) và NSNN hỗ trợ 30% (tương đương 210.600 đồng). Đối với HSSV đã có thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác như: HSSV thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân, quân nhân… đã được cấp thẻ BHYT bắt buộc, thì cơ sở giáo dục lập danh sách riêng để theo dõi và tính chung vào tỉ lệ tham gia BHYT của nhà trường để được cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Năm học 2016- 2017, Hà Nội đạt 90,77% HSSV tham gia BHYT. Trong đó, khối tiểu học đạt 91,13%; khối THCS đạt 91,18%; khối THPT đạt 91,02%; khối CĐ-ĐH đạt 90,1% và thấp nhất là khối TCCN, trung tâm GDTX thuộc Sở quản lý chỉ đạt 89,89%. |