Lo ngại Fed tiếp tục siết chính sách tiền tệ, chứng khoán Mỹ ảm đạm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ gần như đi ngang khi nhà đầu tư chờ đợi số liệu chỉ số giá tiêu dùng  (CPI) tháng 3 được công bố vào sáng 12/4.

Chứng khoán Mỹ giao dịch thận trọng trong phiên ngày 11/4. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ giao dịch thận trọng trong phiên ngày 11/4. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 11/4, chỉ số S&P 500 giảm 0,004% về còn 4.108,94 điểm. Chỉ số Dow Jones nhích nhẹ 98,27 điểm (tương đương 0,29%) lên 33.684,79 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite mất 0,43% còn 12.031,88 điểm.

Những nhóm cổ phiếu vốn nhạy cảm với chu kỳ kinh tế giao dịch khởi sắc trong phiên này, trong khi cổ phiếu công nghệ lại sa sút. Nhóm năng lượng trở thành trụ cột của S&P 500, chốt phiên với mức tăng khoảng 0,9%. Nhóm công nghệ giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính khi mất 1%.

Trong khi đó, cổ phiếu CarMax tăng 9,6% sau khi công ty bán lẻ ô tô đã qua sử dụng công bố lợi nhuận quý I cao hơn dự báo. Cổ phiếu Moderna sụt 3% sau khi công ty công nghệ sinh học cho biết đang trì hoãn vaccine cúm.

Phố Wall chứng kiến phiên giao dịch ảm đạm trước khi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ công bố vào ngày 12/4 và dữ liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) công bố vào ngày 13/4. Cả 2 dữ liệu kinh tế quan trọng trên có thể làm rõ hơn về cách điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định với đài CNBC, chuyên gia William Northey của U.S. Bank Wealth Management cho biết: “Báo cáo CPI và PPI được công bố trong tuần này rất quan trọng vì đây sẽ là một trong những bộ dữ liệu cuối cùng được thông báo trước khi Fed bắt đầu cuộc họp chính sách vào đầu tháng 5. Trong khi Fed đánh giá cuộc chiến chống lạm phát và bước đi chính sách tiền tệ thích hợp, các điều kiện thị trường đã bắt đầu nghiêng về khả năng lãi suất sẽ tăng thêm một lần nữa trong cuộc họp tới”.

Chủ tịch Fed tại New York John Williams hôm 11/4 nói rằng ngân hàng trung ương sẽ xem xét kỹ lượng các dữ liệu kinh tế, đặc biệt là số liệu CPI trước khi đưa ra quyết định về lãi suất.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường lao động Mỹ dường như đang hạ nhiệt phần nào, ít nhất là theo loạt dữ liệu được công bố vào tuần trước.

Báo cáo việc làm tháng 3 cho thấy rằng các nhà tuyển dụng Mỹ gần đây đã tạo thêm 236.000 việc làm - thấp hơn mức dự kiến 239.000 - trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%.

Đây cũng là tháng đầu tiên thị trường lao động Mỹ đạt kết quả dưới mức kỳ vọng trong 12 tháng qua. Tuy nhiên, kết quả này không có nghĩa là thị trường đã yếu đi.

Trong một báo cáo gần đây, các nhà nghiên cứu tại Bank of America nhận định rằng thị trường lao động đang có dấu hiệu giảm nhiệt, nhưng vẫn còn rất chặt chẽ. “Mặc dù tăng trưởng của thị trường lao động tháng 3 có dấu hiệu chậm lại, song số liệu việc làm mới vẫn hơn gấp đôi so với con số 100 nghìn việc làm mỗi tháng - tốc độ tăng trưởng cần thiết  được Chủ tịch Fed Jerome Powell chỉ ra trong bài phát biểu vào tháng 11/2022”.

Trên thực tế, những dữ liệu được công bố tuần trước mới chỉ cho thấy các vết rạn nứt nhỏ đã hình thành trên thị trường lao động.

Khảo sát về cơ hội việc làm và tỷ lệ luân chuyển lao động trong tháng 2 tiết lộ rằng số việc làm cần tuyển dụng tại Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021. Báo cáo tại khu vực tư nhân của ADP Research Institute cũng cho kết quả thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa đủ để Fed ngừng nỗ lực thắt chặt của mình.

Được biết, Fed sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo từ ngày 2-3/5. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tới.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần