Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo ngại OPEC+ sắp đảo ngược thỏa thuận giảm cung, giá dầu Mỹ mất mốc 60 USD/thùng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường dầu giao dịch ảm đạm trong phiên ngày 3/3 do lo ngại các nước sản xuất dầu chủ chốt sẽ nới lỏng cắt giảm nguồn cung khi các nền kinh tế dần phục hồi.

Giá “vàng đen” tiếp tục suy yếu trong phiên giao dịch ngày thứ Tư do các thương nhân giữ tâm lý thận trọng trước thềm cuộc họp bàn về chính sách sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+.
 Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên ngày 3/3.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 18 xu Mỹ, tương đương 0,3% xuống 59,57 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã giảm khoảng 6% tính từ phiên giao dịch ngày 25/2, khi đạt mức đỉnh kể từ tháng 5/2019.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao sau mất 7 xu Mỹ, tương đương 0,1%, về mức 62,63 USD/thùng, cũng giảm 7% so với mức cao nhất trong 13 tháng ghi nhận vào tuần trước.
Giá dầu suy yếu trong các phiên đầu tuần này do dự báo rằng nhóm OPEC+ sẽ bơm nhiều dầu hơn vào thị trường từ tháng 4/2021 khi nhóm này nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào năm ngoái.
Các quốc gia thành viên OPEC+ dự kiến ​​sẽ nhóm họp vào ngày 4/3, nơi họ sẽ thảo luận về việc nâng sản lượng lên 500.000 thùng mỗi ngày bắt đầu từ tháng 4.
Liên minh gồm 23 thành viên đang cắt giảm nguồn cung ở mức hơn 7 triệu thùng dầu/ngày (chiếm khoảng 7% nguồn cung toàn cầu). Tuy nhiên, với đà hồi phục ổn định của giá dầu và thị trường ngày càng được thắt chặt, OPEC+ sẽ cân nhắc cho phép 1.5 triệu thùng dầu/ngày quay trở lại thị trường.
Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo hôm 2/3 cho biết, triển vọng nhu cầu dầu đang có dấu hiệu tích cực hơn, đặc biệt ở châu Á, và những rào cản từ năm trước tiếp tục giảm bớt.
Sản lượng dầu của OPEC đã giảm trong tháng 2, khi Ả Rập Saudi cắt giảm tự nguyện bổ sung vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng với các đồng minh, chấm dứt chuỗi 7 tháng tăng liên tiếp.
Nhà phân tích về năng lượng Eugen Weinberg tại Commerzbank Research nói rằng thị trường tuần này sẽ tập trung vào cuộc họp diễn ra vào ngày 4/3 của OPEC+, sẽ đưa ra quyết định về vấn đề sản lượng dầu trong các tháng tới. Sự chú ý đặc biệt có thể được hướng đến diễn biến giá cả trước cuộc họp của OPEC+ do có những rủi ro lớn về tình hình cung, cầu.
“Câu hỏi mà liên minh OPEC+ phải trả lời trong tuần này là liệu nhu cầu phục hồi có đủ mạnh để cho phép nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không?”, các nhà phân tích của ngân hàng ANZ  lưu ý hôm 3/3.
Mặc dù vậy, một số nhà quan sát vẫn lo ngại về sự bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo chủ chốt của OPEC+ về việc nới lỏng sản lượng trong cuộc họp sắp tới.
Trước thềm cuộc họp của liên minh này, hôm 14/2 Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã phát tín hiệu rằng Moscow một lần nữa muốn tiếp tục tăng nguồn cung dầu mỏ, khi lưu ý rằng “thị trường đã cân bằng hơn”. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã kêu gọi các nước thành viên OPEC+ cần “hết sức thận trọng” trong việc xem xét chính sách điều hành sản lượng.
Về nguồn cung, báo cáo của Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết, lượng tồn kho dầu thô của nước này tính đến ngày 26/2 đã tăng 7,4 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với dự báo của các nhà phân tích là giảm 928.000 thùng.
Trong khi đó, tại châu Á, tăng trưởng hoạt động nhà máy của Trung Quốc đã giảm xuống thấp nhất trong 9 tháng vào tháng 2/2021, điều này có thể làm giảm nhu cầu dầu thô của Trung Quốc. Việc mua dầu của nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới gần đây đã giảm bớt./.