Lo sợ bế tắc về trần nợ công, chứng khoán Mỹ tụt dốc

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng hoán Mỹ quay đầu lao dốc trong phiên ngày 16/5 khi mối lo trần nợ công tiếp tục ám ảnh tâm trí các nhà đầu tư.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày 16/5. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày 16/5. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 336,46 điểm, tương đương 1,01% xuống còn 33.012,14 điểm. Đây là phiên giao dịch đầu tiên chỉ số Dow Jones đóng cửa dưới điểm trung bình kể từ ngày 30/3.

Chỉ số S&P 500 sụt 0,64% còn 4.109,9 điểm. Chỉ số Nasdaq Composote sụt mất 0,18% xuống 12.343,05 điểm.

Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 chịu áp lực khi cổ phiếu Home Depot giảm mạnh 2,15%. Báo cáo doanh thu quý không đạt kỳ vọng và dự định cắt giảm doanh thu hàng năm của nhà bán lẻ đã kéo cổ phiếu trượt dốc.

Cổ phiếu thành phần thuộc Dow Jones, Home Depot, rớt 2.15% sau khi công ty bán lẻ báo cáo doanh thu quý I gây thất vọng và hạ dự báo cả năm, do người tiêu dùng hoãn lại các dự án cải tạo nhà lớn. Cổ phiếu Lowe’s Companies, một đối thủ của Home Depot, chốt phiên với mức giảm 1,16%.

Các nhà đầu tư đang dồn sự chú ý về cuộc đàm phán trần nợ công chuẩn bị diễn ra tại Nhà Trắng.

Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/5 tiếp tục cảnh báo nước này có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu trần nợ không được nâng kịp thời. “Nếu vỡ nợ xảy ra, toàn bộ nền tảng tài chính được xây dựng trước đó cũng sẽ bị phá hủy. Đồng thời, một số thị trường tài chính khác cũng sẽ lần lượt sụp đổ” – Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhận định.

Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn duy trì quan điểm lạc quan hơn về các cuộc đàm phán về nâng trần nợ công . Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết vẫn còn những trở ngại đáng kể.

Theo thông báo của Nhà Trắng, nguy cơ Mỹ vỡ nợ cũng khiến ông Biden quyết định rút ngắn chuyến công du châu Á tuần này để tập trung vào xử lý vấn đề trần nợ.

Công ty tư vấn Loop Capital khuyên giới đầu tư nên tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có thể hoạt động tốt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không chắc chắn và theo dõi tiến trình đàm phán trần nợ đang diễn ra.

Ông Anthony Chukumba - Giám đốc điều hành của Loop Capital, nói với CNBC: “Chúng tôi lo ngại thị trường Phố Wall không định trước nguy cơ đảng Dân chủ và Cộng hòa không đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ công, điều sẽ trở thành thảm họa với nền kinh tế Mỹ”.

Về dữ liệu kinh tế, báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ chỉ ra doanh số bán lẻ tháng 4 tăng 0.4%, thấp hơn so với dự báo tăng 0.8% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ lõi, không bao gồm các mặt hàng ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng, và dịch vụ ăn uống, đã tăng trở lại.

Những dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà giảm tốc sau 10 lần tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để kiềm chế lạm phát. Yếu tố này kết hợp với tình trạng bế tắc trong đàm phán nâng mức trần nợ công đã gia tăng kỳ vọng rằng Fed sắp dừng tăng lãi suất, hay thậm chí là đảo chiều chính sách thắt chặt tiền tệ.

Tuy nhiên, một số quan chức Fed lại tuyên bố rằng ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho việc cắt giảm lãi suất.

Phát biểu hôm 16/5, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin nói ông “thoải mái” với việc tăng lãi suất thêm nếu cần thiết, nhưng thích sự “để ngỏ các lựa chọn” như hàm ý trong tuyên bố chính sách gần đây nhất của Fed.

Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, nói rằng lạm phát vẫn ở mức quá cao khiến Fed khó có thể sớm đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần