Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lộ trình thực hiện chính phủ điện tử: Liệu có đến đích?

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

Ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xác định năm nay là năm bứt phá trong thực hiện chính phủ điện tử.

Năm bứt phá trong thực hiện chính phủ điện tử
Ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xác định năm nay là năm bứt phá trong thực hiện chính phủ điện tử. Trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, triển khai thử nghiệm và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng chính phủ điện tử.
Vào tháng 3 năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2015. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2015, Việt Nam nằm trong nhóm bốn quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
 (Ảnh minh họa)
Nghị quyết cũng đưa ra chỉ tiêu cho từng giai đoạn cụ thể như giai đoạn 2019-2020, 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin chính phủ điện tử; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện liên thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; 50% cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh được cung cấp giao diện cho các thiết bị di động.
Thực hiện Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020 định hướng 2025. 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. 100% các bộ và khoảng một nửa số địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17.
Tính đến quý II năm 2019, các địa phương đã cung cấp hơn 43.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Tháng 3/2019 trục liên thông văn bản quốc gia đã được đưa vào sử dụng, thống nhất việc nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Tháng 6 vừa rồi, khung chính thức chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Những kết quả này cho thấy với sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương xây dựng chính phủ điện tử đã có nhiều đột phá.
Trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, thành phố Hà Nội cũng đang tích cực triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Đến quý II năm 2019, Hà Nội đã triển khai hơn 1.200 dịch vụ công trực tuyến, trong đó hơn 1.000 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 198 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, đạt tỷ lệ 74%.
Cùng với nỗ lực của các địa phương thì các bộ, ngành cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Minh chứng rõ nhất là Bộ Công thương. Nếu năm 2017, bộ này chỉ đứng thứ 17 về ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính thì năm 2018, Bộ Công thương đã vươn lên vị trí thứ hai về chỉ số tổng thể, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: “Đến thời điểm này, tất cả 292 thủ tục hành chính cấp trung ương, thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên. Đến nay đã có gần 3.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến của bộ”.
Cần sự quyết tâm của các bộ ngành và người dân
Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đều đã xây dựng được dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, hồ sơ được xử lý trên môi trường mạng nhưng tỷ lệ sử dụng còn thấp, hiệu quả chưa cao. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng phát triển công nghệ chính phủ điện tử còn chậm.
  Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế trung ương.
Ở một số nơi, người dân chưa mặn mà với các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 do vẫn phải nộp phí và lệ phí thủ công. Tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử với các ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương tháng trước, dù đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã triển khai tốt nhiều nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra không ít tồn tại những mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở các địa phương khoảng 15%, các bộ ngành khoảng 29%, cho thấy chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, còn thực trạng chính quyền điện tử phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”, dùng nhiều phần mềm, nền tảng công nghệ thông tin khác nhau dẫn đến thiếu tương thích và không đồng bộ.
Vì vậy, muốn xây dựng thành công chính phủ điện tử đòi hỏi sự quyết tâm phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và của cả người dân, doanh nghiệp – những người đang sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Với những gì đã đạt được và cả những khó khăn, vướng mắc gặp phải, liệu lộ trình xây dựng chính phủ điện tử có về đích đúng thời hạn mà Nghị quyết số 17 của Chính phủ đã đặt ra hay không? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020, có 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin chính phủ được xác thực, định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp.
“Những người dân ở thành thị cũng như đa số người dân Việt Nam đã có điện thoại di động có thể kết nối Internet để người dân có thể tiếp cận các cổng thông tin của chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử có 4 cấp độ, cấp độ cuối cùng là người dân có thể phản ánh, khiếu nại, tố cáo, trình bày về những trường hợp tham nhũng và những trường hợp tiêu cực và ngay lập tức phản hồi lại tới người dân”, ông Doanh nhấn mạnh.
Để có một chính phủ điện tử hiện đại, nhanh gọn và có sự tương tác đồng bộ cán bộ, công chức, người dân, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thời gian tới chúng ta cần tập trung tổ chức các lớp tập huấn, có quy định chặt chẽ về việc công bố các thông tin như tiến độ của các công trình công. Kết hợp chặt chẽ tiếng nói của người dân để chính phủ điện tử hoạt động năng động và hiệu quả hơn.
Mục tiêu của Chính phủ là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người dân mọi lúc, mọi nơi. Phương châm thực hiện chính phủ điện tử là lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu. Để thực hiện thành công chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Về tầm nhìn, phải xây dựng chính phủ điện tử là để tiến tới chính phủ số và nền kinh tế số.
Chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số là 3 cấp độ phát triển khác nhau. Việc xây dựng chính phủ điện tử là để giải quyết 4 mối quan hệ: 2 quan hệ với bên ngoài là chính phủ với người dân, chính phủ với doanh nghiệp và 2 quan hệ giữa các cơ quan và chính phủ với nhau, giữa chính phủ với cán bộ công chức. Làm tốt mối quan hệ bên trong thì mới làm tốt mối quan hệ bên ngoài”.
Cùng với việc yêu cầu các ban, ngành, địa phương cần tăng tốc trong nửa chặng đường còn lại trong xây dựng chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ cho biết Nghị quyết 17 mới chỉ là giải pháp trước mắt. Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng xây dựng chiến lược chính phủ điện tử giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030./.